Người trồng cà phê hụt hẫng vì doanh nghiệp đột nhiên bỏ liên kết

Trần Lê| 01/12/2016 09:29

Năm 2012, Chi nhánh Công ty TNHH Armajaro Việt Nam tại Đắk Nông (công ty) đã thực hiện liên kết với khoảng 200 hộ dân ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) để sản xuất cà phê theo hướng an toàn.

ADQuảng cáo

Hằng năm, công ty này đều tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con. Công ty cũng đã vận động nhân dân thành lập các nhóm, tổ có trả lương cho người đứng đầu nhằm củng cố sự liên kết với nông hộ. Đến vụ thu hoạch thì bà con được công ty hợp tác với các đại lý thu mua với giá cao hơn so với thị trường khoảng 400 đồng/kg.

Thế nhưng từ cuối năm 2015 đến nay, công ty này đã đột nhiên chấm dứt liên kết, mặc dù không gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng để lại sự hụt hẫng đối với các hộ trồng cà phê.

Một điểm thu mua được lập ra nhưng chưa mua đã dừng hoạt động

Ông Nguyễn Duy Thanh là khuyến nông viên, Tổ trưởng Tổ hợp tác của toàn xã với công ty ở thôn  5, xã Quảng Tín cho biết: Nhiều lần, tôi đã gọi điện cho cán bộ, người mà thường xuyên xuống nhà dân để bàn các công việc liên kết nhưng đầu dây bên kia báo không liên lạc được. Qua thực tế liên kết, họ đã hướng dẫn chúng tôi sản xuất cà phê theo các chuẩn quốc tế như 4C, UTZ; trong đó chú trọng tới yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường. Nhà nông phải có sổ nhật ký nông hộ, trong đó ghi hết toàn bộ từ bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chi chí, giá thành xem có lời không. Nhưng từ cuối năm 2015 đến nay thì công ty này bỏ liên kết, không mua sản phẩm cà phê của các hộ tham gia nữa.

ADQuảng cáo

Được biết, những năm trước công ty này đã thành lập các đại lý thu mua cà phê cho bà con với giá cao hơn thị trường. Thế nhưng, nhiều đại lý mới gắn bảng hiệu được vài tháng thì không thu mua nữa.

Theo lời giới thiệu của chị Lê Thị Sinh, chủ một đại lý thu mua số 5 ở Nhân Cơ, chúng tôi liên lạc với một người tên Bình, được cho là Trưởng Chi nhánh Công ty Armajaro tại Đắk Nông, có địa chỉ ở thị xã Gia Nghĩa. Thế nhưng, qua hai lần hẹn, ông Bình đều báo bận.

Qua điện thoại, ông Bình cho biết, đơn vị có một nguồn tài trợ cho hoạt động hợp tác liên kết cùng nông dân bị cắt. Do không còn kinh phí nữa nên công ty ngưng hợp tác. Đơn vị đã thông báo với nông dân, trả lương cho các nhóm trưởng đến tháng 9/2015. Doanh nghiệp thì nói thế, nhưng nhiều người dân lại không biết vì sao công ty ngưng hợp tác mà không báo cho dân biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho biết: “Thực tế thì chúng tôi cũng có biết nhưng không nắm rõ như thế nào, đây là một bài học cho xã trong công tác quản lý địa bàn. Sau này, khi có doanh nghiệp vào hợp tác thì chính quyền phải là bên thứ 3 bảo vệ quyền lợi cho bà con chứ không thể để doanh nghiệp thích thì vào làm không thích thì ra như trường hợp của Chi nhánh Công ty Aramajaro được”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trồng cà phê hụt hẫng vì doanh nghiệp đột nhiên bỏ liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO