Người tiêu dùng sẽ được đồng hành để bảo vệ quyền lợi

Bình Minh| 15/02/2017 09:08

Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc điều tra, xử lý nhưng tình trạng phân bón giả hoặc kém chất lượng vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với người nông dân. Trước thực trạng này, vừa qua UBND tỉnh Đắk Nông đã có kế hoạch triển khai cụ thể để đồng hành bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hy vọng các giải pháp này sẽ phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

ADQuảng cáo

Quyền lợi bị xâm hại

Những ngày cuối mùa mưa vừa qua, anh Nguyễn Văn Thủy có rẫy tại khu vực thuộc xã Trường Xuân (Đắk Song) phải tự tay chặt bỏ vườn cà phê 3,5 ha đã hơn 4 năm tuổi vì mua phải phân bón giả. Được biết, trước đó, anh đã bỏ ra 60 triệu mua phân NPK cao cấp để bón cho cây. Thế nhưng sau khi bón, cây không phát triển mà có dấu hiệu còi cọc, vàng lá rồi chết dần.

Anh Thủy đã nhiều lần lần theo địa chỉ ghi trên bao bì để liên lạc với cơ sở sản xuất NPK cao cấp này nhưng địa chỉ, cũng như số điện thoại không có thực như được giới thiệu, quảng cáo. Bất lực, anh Thủy tin rằng mình là nạn nhân của phân bón giả hoặc kém chất lượng. Điều đáng nói là anh Thủy đã “kêu cứu” đến nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trước đó, Báo Đắk Nông cũng đã có bài viết phản ánh về gia đình ông Nguyễn Sơn, ở bon Choi, xã Đức Xuyên (Krông Nô) bón phải phân kém chất lượng hoặc phân bón giả gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cây quýt đường của gia đình ông Nguyễn Sơn, ở bon Choi, xã Đức Xuyên (Krông Nô) rụng trái hàng loạt sau bón phân Bioplant Flora kém chất lượng gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: S.V

Năm 2014, vườn quýt nhà ông đã cho thu hoạch với sản lượng gần 25 tấn. Với giá cả thị trường lúc bấy giờ là 20.000 đồng/kg, ông Sơn thu về gần 500 triệu đồng. Bước vào mùa vụ 2015, vườn quýt ông Sơn cho quả rất nhiều, sản lượng ước tính trên 40 tấn.

Để bồi bổ thêm cho vườn quýt, tháng 7/2015, ông Sơn đã đến đại lý thuốc bảo vệ thực vật Tuấn Hằng, do ông Nguyễn Anh Tuấn, trú tại thôn Quảng Hà, xã Nâm N’đir (Krông Nô) làm chủ, mua phân bón vi lượng để phun cho cây quýt.

Được ông Tuấn giới thiệu loại phân vi lượng có tên Bioplant Flora do Công ty Cổ phần Flora East (địa chỉ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhập khẩu từ Nga có chất lượng tốt, nên ông Sơn mua 4 chai (loại chai 1 lít) về phun cho quýt. Thế nhưng, chỉ hai ngày sau khi phun, ông Sơn phát hiện hàng loạt cây quýt bị vàng lá, héo chồi, khô cành và rụng quả dẫn đến vườn cây chết dần.

Ông Sơn cho biết: “Mùa quýt 2015 đã hoàn toàn mất trắng. Nghiêm trọng hơn là có gần một nửa vườn quýt bị chết hoặc tàn lụi, không thể tiếp tục ra quả”. Kể từ thời điểm vườn quýt bị hư hại, ông Sơn đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng để phản ánh sự việc và đề nghị làm rõ chất lượng sản phẩm phân Bioplant Flora để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, điều đáng nói là đến nay, gia đình ông vẫn chưa được bồi thường.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của UBND tỉnh thì trong thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được quan tâm triển khai thực hiện nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thiện khiến cho việc phối hợp và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả. Việc thành lập các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của tỉnh còn nhiều hạn chế.

Sẽ hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng

Cũng theo UBND tỉnh, để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ, biện pháp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Trong đó, công tác nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và phát triển bền vững là rất quan trọng.

Được biết, trước thực trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian qua, ngày 13/1/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định 77/QĐ-UBND về ban hành chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020.

Chương trình đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 bảo đảm tối thiểu 50 lượt cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 200 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên dịa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Việc xúc tiến thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Nông cũng sẽ sớm được triển khai. Công tác xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

UBND tỉnh cũng cam kết bảo đảm 70% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt 50% vụ việc.

Có thể nói, việc có kế hoạch cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đối với các ngành, địa phương trong nâng cao trách nhiệm đồng hành bảo vệ người tiêu dùng không chỉ đưa lại niềm tin, giảm thiệt hại về kinh tế đối với người dân mà còn góp phần đấu tranh loại bỏ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn gian dối.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng sẽ được đồng hành để bảo vệ quyền lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO