Người nuôi cá ở Buôn Choáh nỗ lực tái sản xuất sau lũ

Thanh Hà| 26/01/2021 09:06

Sau trận lũ lớn đầu tháng 12/2020, nhiều người nuôi cá lồng tại xã Buôn Choáh (Krông Nô) bị thiệt hại nặng nề. Hiện họ đang nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất.

ADQuảng cáo

Những ngày qua, anh Bùi Văn Xô, thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh, dành nhiều thời gian để làm việc trên 10 lồng cá của gia đình trên sông Sêrêpốk. Anh đi từng bè cá, kiểm tra kỹ và cột lại chắc chắn từng mép lưới bị rách. Nuôi cá khoảng 10 năm trên sông, chưa bao giờ các lồng cá của anh lại bị xiêu vẹo, hư hỏng nhiều đến vậy.

Cách đây khoảng 1 tháng, mưa lớn đã làm cho nước trên sông Sêrêpốk dâng nhanh. Anh Xô dùng dây thừng, cáp cột chặt các lồng cá vào các cây to, các điểm tựa trên bờ. Nhưng nước lũ lên nhanh khiến cá trong lồng bị ngợp nước rồi chết. Cá chết dạt vào các lồng tạo thành bức tường thành cản nước. Để giữ lại lồng, anh buộc phải cắt lưới để cá trong lồng trôi theo dòng nước. Cả chục tấn cá phút chốc chỉ còn lại ít con.

Anh Bùi Văn Xô cột lại các lồng cá bị hư hỏng do mưa lũ gây ra

Cá trôi sông nhưng anh Xô vẫn còn may mắn khi giữ được lồng. Hàng ngày, anh tranh thủ xuống để sửa lại lồng, chuẩn bị tái sản xuất lứa mới. “Mỗi lồng này đầu tư khoảng 40 triệu mới làm được. Giờ toàn bộ tài sản của gia đình nằm hết ở đây rồi nên không thể bỏ nghề được, phải cố gắng vay mượn lại để làm thôi. Chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ 1 phần để mua lại cá giống, tiếp tục nuôi cá lồng”, anh Xô cho hay.

Cách không xa khu vực lồng cá của anh Xô là dãy lồng cá của gia đình ông Phạm Văn Thành, cùng thôn Bình Giang. Ông Thành đang thuê 5 người đánh cá giống trên ao để thả xuống lồng.

Ông Thành là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất do đợt ngập lụt tháng 12 vừa qua. Trong tổng số 31 lồng cá của gia đình thì có 28 lồng cá bị thiệt hại, cá trong lồng trôi theo dòng nước. Ông Thành ước tính thiệt hại tổng cộng khoảng 80 tấn cá, chủ yếu là diêu hồng.

ADQuảng cáo

Lũ rút, ông Thành nhanh chóng thuê người về sửa các lồng cá. Số cá ít ỏi còn sót lại được ông gom vào nuôi tại các lồng còn lành lặn. “Mình còn may mắn là mấy ao cá giống không bị ngập lụt. Giờ cá trôi hết rồi thì phải lấy cá giống mới thả vào thôi. Được lồng nào thì mình nuôi tạm lồng đó đã. Thiên tai gây thiệt hại nặng quá nên chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để mua giống, mua thức ăn… Hy vọng cá sẽ nhanh lớn để vài tháng nữa, chúng tôi có nguồn trang trải qua giai đoạn khó khăn”, ông Thành cho hay.

Ông Phạm Văn Thành dọn dẹp rác, cá chết tại các lồng để chuẩn bị nuôi lứa cá mới

Anh Xô và ông Thành là 2 trong số nhiều hộ dân nuôi cá lồng dọc sông Krông Nô, sông Sêrêpốk tại xã Buôn Choáh bị thiệt hại trong đợt mưa lũ đầu tháng 12/2020. Theo thống kê của UBND xã Buôn Choáh, toàn xã đã có 187 lồng cá của người dân bị hư hại, chết cá do sốc nước và khoảng 13 ha ao cá bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh chia sẻ: Trước những thiệt hại rất lớn của bà con, xã đã tổng hợp, xây dựng báo cáo và kiến nghị đối với UBND huyện. Rất mong sự vào cuộc của UBND huyện, UBND tỉnh để sớm hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Ðầu tháng 12/2020, mưa lớn đã làm nước tại thượng nguồn nhánh sông Krông Ana đổ về sông Sêrêpốk và sông Krông Nô rất lớn. Tình trạng này đã gây ra ngập lụt trên địa bàn xã Buôn Choáh, làm thiệt hại trên 55 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh, trong đợt lũ vừa qua, thiệt hại nặng nhất là cá lồng. Trước tình hình trên, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn cùng với UBND các xã rà soát, đánh giá kỹ thiệt hại và động viên bà con sửa chữa lại các lồng bè, dụng cụ để tái sản xuất.

UBND huyện Krông Nô rất mong UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và Công ty Thủy điện Buôn Kuốp xem xét, hỗ trợ kinh phí thiệt hại rủi ro cho người dân. "Chúng tôi rất mong nguồn hỗ trợ này sớm đến tay người dân để họ có điều kiện tái tạo sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới", ông Ánh cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nuôi cá ở Buôn Choáh nỗ lực tái sản xuất sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO