Người dân Tây Nguyên cần giải pháp hỗ trợ thiết thực để tái canh cà phê

Phương Uyên (t.h)| 15/04/2014 09:46

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có gần 622.100 ha cà phê. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có đến 30% tổng diện tích cà phê đã già và cho chất lượng thấp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, cần phải thay thế trong vòng 5 đến 10 năm tới.

ADQuảng cáo

Cụ thể, nhu cầu tái canh đến năm 2020 là 200.000 ha; trong đó, Đắk Lắk 85.000 ha, Lâm Đồng 59.600 ha, Gia Lai 27.300 ha, Đắk Nông 24.658 ha... Trong năm 2013, các tỉnh trên cũng đã thực hiện tái canh cà phê như: Đắk Lắk thực hiện tái canh được 3.643 ha cà phê. Hai tỉnh Đắk Nông và Gia Lai thực hiện tái canh được hơn 3.000 ha, trong đó Gia Lai chiếm hơn 2.100 ha…

Một diện tích cà phê tái canh bằng cách trồng mới ở Đắk Nông. Ảnh tư liệu

Có một thực tế, nhiều năm qua sản xuất cà phê không có lãi nhiều đã khiến người trồng không tích lũy được vốn. Mà không có vốn thì họ không thể chặt bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng cà phê mới. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có của các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được. Vậy đâu là nguồn vốn giúp cho người nông dân mạnh dạn hơn để tái canh cà phê?

Tháng 6/2013, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký kết với UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng về việc triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng tại Đắk Lắk và 2.800 tỷ đồng tại Lâm Đồng cho vay thực hiện tái canh cà phê giai đoạn 2013 - 2016. Theo quy định, mỗi hécta tái canh được ngân hàng cho vay từ 150 - 200 triệu đồng trong thời hạn 7 năm.

ADQuảng cáo

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013, ngành Ngân hàng cam kết cho vay 12 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 2%/năm. Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số địa phương, nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà vay vốn vì họ cho rằng, lãi suất cho vay trên 10%/năm vẫn còn cao.

Tại buổi làm việc với một số tỉnh Tây Nguyên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ với nông dân vấn đề tái canh hiện nay. Theo đó, sau khi chặt cây cũ, trồng cây mới phải mất ít nhất 3 – 5 năm bà con mới có thu hoạch. Vậy trong thời gian đó, người dân sống bằng gì?

Theo gợi ý của Thống đốc, tái canh cây cà phê mất nhiều thời gian như vậy thì cần phải thực hiện gối đầu. Trên thực tế, không ít nông dân đã thành công trong phương pháp tái canh này. Để tái canh cây cà phê hiệu quả, nông dân không chỉ cần vốn mà còn liên quan đến chính sách của các bộ, ngành khác. Trước đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Diễn về việc NHNN chỉ đạo Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi cho tái canh cà phê, Thống đốc nói rõ quan điểm: NHNN dành sẵn 12.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho 5 tỉnh Tây Nguyên, còn lại là cách làm và tổ chức triển khai.

Sự bấp bênh giá trên thị trường cà phê cũng đang đè nặng tâm lý khiến không ít người trồng cà phê đành chấp nhận kéo dài thời gian vườn cà phê già cỗi kém năng suất… Để tạo điều kiện cho người trồng cà phê bán được giá ổn định, thì Chính phủ và bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân, trong đó cần thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ cà phê khi vào vụ thu hoạch, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng trong trường hợp giá mặt hàng nông sản này giảm thấp.

Ngoài ra, lãnh đạo một số tỉnh kiến nghị ngân hàng hạ lãi suất cho vay tái canh cà phê xuống mức khoảng 5% - 6%/năm. Cùng với việc hạ lãi suất, thủ tục vay vốn cũng cần đơn giản hơn để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Tây Nguyên cần giải pháp hỗ trợ thiết thực để tái canh cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO