Người dân Đắk Sắk chủ động nguồn nước chống hạn cho cà phê

Hưng Nguyên| 02/03/2021 09:47

Thời điểm này, nhiều nông dân ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil), đã chủ động chuẩn bị các nguồn nước tưới để phòng, chống hạn cho cà phê.

ADQuảng cáo

Những ngày này, dọc các tuyến đường vào xã Đắk Sắk, những chiếc xe càng chở đầy ống nước nối đuôi nhau chạy vào rẫy. Đi vào vùng sản xuất cà phê, tiếng máy nổ râm ran khắp các con suối, bờ hồ. Trên các mái đồi, những chiếc béc quay liên tục suốt ngày đêm tưới nước cho cây trồng...

Nguồn nước từ hồ sát rẫy giúp người dân chủ động nước tưới

Gia đình anh Nguyễn Kim Thưởng, ở thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk, có 1,6 ha cà phê đang cho thu hoạch. Những năm qua, để chủ động nguồn nước phục vụ rẫy cà phê, anh Thưởng đã sửa sang, đắp thêm hồ để tăng quy mô tích nước.

Nhờ đó, chỉ vào những năm khô hạn khốc liệt, hồ chứa của anh Thưởng mới hết nước. Hồ cách rẫy khá xa, nên gia đình anh đã chôn đường ống để thuận lợi cho việc tưới nước trong mùa khô.

Để chủ động chống hạn và không để thiếu nước tưới cho cà phê, năm nay, gia đình anh Thưởng thuê người khoan thêm giếng lấy nước. Anh Thưởng cho biết, trước tết trời có mưa lớn, nên đến nay gia đình anh tưới thêm để dưỡng cây cà phê.

Sau khi thu hoạch vụ vừa rồi, anh Thưởng đã tiến hành cắt tỉa cành khô, tạo tán và tưới nước cho rẫy cà phê. Giai đoạn này, việc tưới nước và chăm sóc cho cà phê là rất quan trọng. Nếu thiếu nước, cà phê sẽ không thể ra hoa đều, hoặc những mầm hoa có thể khô lại và năng suất sẽ giảm.

Gia đình anh Thưởng đang khoan giếng ở rẫy để chủ động nguồn nước tưới cho cà phê

Tương tự, gia đình anh Võ Tá Lĩnh ở thôn Tân Bình, xã Đắk Sắk, có 1,9 ha cà phê đang cho thu hoạch. Rẫy cà phê dù khá gần suối lớn, nhưng để chủ động nguồn nước, anh đã đầu tư múc hồ chứa ngay giữa rẫy. Hồ rộng hơn 70m2, độ sâu 5m, luôn bảo đảm nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích cà phê.

ADQuảng cáo

Theo anh Lĩnh, việc tưới nước đúng thời điểm sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng vườn cây cà phê. Hiện gia đình anh đang áp dụng tưới cà phê bằng béc phun mưa, vừa giúp tiết kiệm nước, vừa giảm công lao động.

Người dân trên địa bàn xã Đắk Sắk đang sử dụng phương pháp tưới phun mưa (tưới béc) và tưới gốc (tưới dí). Tùy thuộc vào thời gian khô hạn hàng năm, thông thường có 3 – 4 đợt tưới trong mùa khô. Nếu như mùa khô kéo dài, để bảo đảm cho cây cà phê phát triển tốt, người dân phải tưới 5 - 6 đợt.

Bên cạnh nước tưới, người dân cũng bón các loại phân cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cà phê trong mùa khô. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, cung cấp đủ dinh dưỡng, cà phê sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của mùa khô, giữ trái, nuôi trái tốt cho năng suất cao.

Toàn xã Đắk Sắk có gần 2.000 ha cà phê. Trên địa bàn có 2 đập thủy lợi, nhiều dòng suối nhỏ và hàng ngàn ao, hồ nhỏ cung cấp nước tưới cho cà phê.

Người dân chủ động nguồn nước, máy móc để sẵn sàng chống hạn cho cà phê

Ông Trần Khắc Toản, Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết, người dân trên địa bàn xã đã trải qua nhiều năm sản xuất, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cà phê.

Hiện nay, dựa vào điều kiện của từng khu vực, người dân đã đầu tư nạo vét ao hồ, khoan giếng, chủ động các nguồn nước để tưới cho cây cà phê. Mỗi rẫy cà phê thường có nhiều nguồn nước khác nhau để tưới chống hạn.

Ông Toản cho biết: "Cây cà phê là nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn xã Đắk Sắk. Chính vì thế, thời gian này, người dân đang bỏ công sức, tiền của đầu tư cho cà phê, với mong muốn thời tiết bớt khắc nghiệt, cà phê được mùa, được giá. Người trồng cà phê có cuộc sống ngày càng ấm no".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Đắk Sắk chủ động nguồn nước chống hạn cho cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO