Nghĩa Thắng trồng tre lấy măng trên đất bạc màu

Phan Tuấn| 09/09/2019 10:24

Trước đây, tại xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) có nhiều diện tích đất bị ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa khô. Đối với những diện tích đất này, người dân đã trồng thử nghiệm nhiều lại cây trồng khác nhau nhưng đều không mang lại hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo

Vậy nên người dân đành ngậm ngùi bỏ hoang các diện tích đất này trong nhiều năm. Thực tế này đã khiến cho chính quyền địa phương "đau đầu" tìm các giải pháp để giúp người dân cải tạo, sử dụng những diện tích đất bạc màu có hiệu quả. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, đầu năm 2018, UBND xã Nghĩa Thắng đã quyết định hướng dẫn người dân trồng tre lấy măng đối với những diện tích bỏ hoang này.  

Nhiều diện tích đất hoang hóa trước đây ở xã Nghĩa Thắng đã được người dân chuyển đổi sang trồng tre lấy măng

Giờ đây, những vùng đất hoang hóa, bạc màu ở xã Nghĩa Thắng đã được phủ kín bởi cây tre. Chỉ với 1 ha tre đang trong giai đoạn kiến thiết, nhưng trong năm vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Tú, ở thôn Quảng Chánh, xã Nghĩa Thắng đã thu về được hơn 30 tấn măng tươi. Với giá bán 5 ngàn đồng/1 kg, năm 2018 hộ anh Tú đã có thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Anh Tú cho biết, việc phát triển cây tre lấy măng khá đơn giản, bởi loại cây trồng này vừa chịu được khô hạn, vừa chịu được mưa lũ, nên gia đình đã giải quyết được vấn đề bỏ hoang đất đai trước đây. Trong gia đoạn đầu, để cây tre phát triển tốt, người trồng chỉ cần cho ít phân chuồng, phân đạm... còn lại cây tre hoàn toàn tự sinh trưởng, phát triển. Để tiện thu hoạch, người trồng chỉ cần tập trung phát dọn gọn gàng các gốc tre cho thuận tiện trong việc đi lại. Mỗi cây tre khi bước vào thời kỳ chính ước tính sẽ mang về nguồn thu nhập cho người trồng hơn 500 ngàn đồng/năm. Một khóm tre như vậy có hàng chục cây tre và mang lại thu nhập hàng năm là khá lớn.

ADQuảng cáo

"Điều khiến bà con nhân dân nơi đây phấn khởi nhất là nhờ cây tre mà không phải bỏ hoang đất đai, đến mùa thu hoạch thì không tốn nhiều công sức như tiêu, cà phê...", anh Tú cho biết.

Cây tre đã giúp gia đình anh Tú cải thiện thu nhập

Cũng giống như anh Tú, hộ anh Hoàng Tân, ở thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng, trong năm vừa qua chỉ với 4 sào tre đã có thêm nguồn thu nhập 70 triệu đồng. Anh Tân phấn khởi: Tất cả các cây tre của gia đình tôi đều trồng trên những diện tích đất cằn cỗi, bạc màu, để hoang hóa lâu ngày. Cây tre đã sinh trưởng tốt và cho năng suất măng rất cao, giúp gia đình cải thiện thêm thu nhập. Trong những năm tới, khi 4 sào tre của gia đình bước vào thời kỳ thu chính, thu nhập sẽ còn tăng lên rất nhiều.

Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thắng, những năm qua, ở địa phương có nhiều diện tích đất hoang hóa do bị ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô. Với mục tiêu không để đất đai lãng phí, bỏ hoang xã đã cử cán bộ ngành Nông nghiệp nghiên cứu thực tế, tuyên truyền người dân trồng tre lấy măng.

Qua thực tế cho thấy, việc trồng cây tre lấy măng có đầu ra tương đối ổn định, hiệu quả cao. Thời gian qua, Nhân dân đã nhân rộng mô hình trồng tre trên những phần đất bạc màu, cằn cỗi. Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Nghĩa Thắng đang có gần 20 hộ gia đình trồng tre để lấy măng. Hộ gia đình nào ít nhất cũng trồng vài ba chục khóm, nhiều thì lên đến hàng trăm khóm tre.

Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) cho biết, trồng tre người dân không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên măng tre ở địa phương có chất lượng tốt, ngày càng được ưa chuộng. Măng sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nhà thu mua đưa về các cơ sở chế biến rồi xuất đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua thực tế cho thấy, xã Nghĩa Thắng đánh giá việc người dân chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng tre lấy măng là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập tương đối khá và ổn định cho người nông dân. Về phía người dân, có thể chuyển đổi thêm những diện tích đất xấu để trồng tre, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong thời gian tới, UBND xã Nghĩa Thắng sẽ liên kết nhiều hộ gia đình trồng tre lấy măng lại với nhau nhằm xây dựng măng tre trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị trên thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa Thắng trồng tre lấy măng trên đất bạc màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO