Ngành Nông nghiệp tỉnh: Đẩy mạnh phổ biến khoa học kỹ thuật nuôi thủy sản

Trần Lê| 26/07/2016 10:35

Năm 2016, ngành Nông nghiệp đã xác định mục tiêu chung phát triển kinh tế thủy sản là nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh sản xuất trong nuôi thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

ADQuảng cáo

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường công tác khuyến ngư được ngành chức năng và các địa phương xác định là giải pháp chính.

Mô hình nuôi cá trê bằng bể lót bạt của chị Thị Thuận ở bon Đăng K'liêng, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) đạt thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Ảnh: Phạm Khánh

Thời gian này, gia đình ông Đoàn Xuân Thực ở thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đang tập trung chăm sóc lứa cá lóc giống đầu tiên của gia đình. Theo ông thì giai đoạn chăm sóc, phòng bệnh lúc mới thả nuôi vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc sinh trưởng, phát triển về sau của đàn cá. Do đó, ông chú ý tới việc cho cá ăn với lượng thức ăn đủ, kích thước vừa phải.

Ông Thực khẳng định: “Ban đầu phải sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn. Lượng thức ăn hằng ngày đối với cá nhỏ là 5-7% tổng trọng lượng cá, cá lớn 2-3%. Nếu thức ăn là tấm, cám nấu thì gia đình vo viên để vào sàng nhằm dễ kiểm tra thức ăn. Những kinh nghiệm này đều được ông học được qua các lớp tập huấn được tổ chức ở xã”.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức, nhằm đa dạng hóa nguồn thu cho người dân, tận dụng diện tích mặt nước, đơn vị cũng đang đẩy mạnh việc phối hợp với các xã trên địa bàn vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất thủy sản, nhất là nhân rộng các mô hình về nuôi cá trong các ao hồ nhỏ kết hợp với dự trữ nước tưới trong mùa khô.

ADQuảng cáo

Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện cũng đã đạt diện tích khoảng 200 ha. Tuy nhiên, sản lượng nuôi trồng còn thấp do chủ yếu người dân còn nuôi theo kinh nghiệm là chính. Do đó, ngành đang tập trung đưa kiến thức khoa học kỹ thuật tới người nuôi cá để bà con có sự nhìn nhận, đầu tư nhiều hơn về nguồn lợi này.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Mùi, ở xã Nam Bình (Đắk Song) cũng đã xuống giống thành công hơn 20.000 con giống gồm các loại cá rô phi, diêu hồng trên diện tích 2 sào ao. Hiện nay, ông đang theo dõi nguồn nước, phát hiện xem cá có biểu hiện dịch bệnh để phòng trừ. Mặc dù đàn cá chưa có biểu hiện dịch bệnh nhưng ông vẫn cho ăn thêm các loại vắc xin phòng bệnh nội kí sinh. Cùng với thuốc thì ông còn cho cá ăn thêm vitamin C vào những thời điểm giao mùa. Đây là cách mà ông đã nuôi cá thành công từ nhiều năm nay.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì những năm gần đây, đơn vị đã chú trọng nhiều hơn đến việc tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật cho nông hộ về nuôi trồng thủy sản. Trong đó, những nội dung mà nông dân chưa chú trọng thực hiện như quản lý, cải tạo môi trường nuôi, mật độ và cách thả giống, theo dõi sức khỏe cá, nguồn giống thủy sản đã được chú trọng hơn.

Ông Tuấn khẳng định: “Giờ đây, đa số hộ nuôi đã biết mua giống ở những địa chỉ cung ứng uy tín đã được kiểm dịch nên bảo đảm tỷ lệ sống cao hơn góp phần hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi”.

Song song với tập huấn, đơn vị cũng đã chỉ đạo các trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện, thị xã triển khai thành công nhiều mô hình về nuôi thủy sản. Điển hình như mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính ghép với cá chép lai trên địa bàn toàn tỉnh.

Kết quả tổng kết, sau 5 tháng nuôi bằng thức ăn tổng hợp trọng lượng trung bình cá đạt 0,5 kg/con, năng suất trung bình đạt 12,7 tấn/ha, lợi nhuận thu được hơn 150 triệu đồng/ha. Nhìn chung, công tác xây dựng các mô hình trình diễn đều đạt năng suất và lợi nhuận cao hơn so với sản xuất cũ của nông dân, do đó có sức thuyết phục cao và khả năng nhân rộng tốt, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp tỉnh: Đẩy mạnh phổ biến khoa học kỹ thuật nuôi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO