Ngành Ngân hàng tiếp tục chú trọng kiềm chế nợ xấu

Nguyễn Lương| 05/03/2015 10:10

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 1/2015, số lượng nợ xấu là hơn 140 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 1,25% tổng dư nợ.

ADQuảng cáo

Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành vẫn ở dưới ngưỡng cho phép nhưng để duy trì được con số dưới 3% vào thời điểm cuối năm 2015 vẫn là thách thức rất lớn đối với các tổ chức tín dụng.

Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á

Theo Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của ngân hàng, trong đó, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2015.

Với qui định này, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh dự đoán tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn sẽ tăng vào quý II/2015. Trước thực tế này, ngay từ đầu năm, các tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp để kiềm chế nợ xấu. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn nên áp lực trả nợ đối với các đơn vị tương đối nặng nề.

ADQuảng cáo

Là một tổ chức tín dụng trong nhiều năm liền đứng hàng đầu về kiềm chế nợ xấu, nhưng bước sang năm 2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh vẫn phải lo ngại về việc duy trì nợ xấu dưới ngưỡng cho phép.

Ông Trần Văn Tích, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh cho biết: “Nợ xấu không chỉ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng mà còn phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong năm 2015 vẫn chưa hết khó khăn thì bắt đầu từ quý II/2015, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng hết hiệu lực. Mặt khác, trong quá trình xử lý nợ xấu, không phải doanh nghiệp nào cũng có tinh thần hợp tác cùng ngân hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chạy trốn, bất hợp tác trong việc xử lý nợ xấu. Đó là chưa kể, thủ tục phát mãi tài sản thu hồi nợ khá phức tạp cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu”.

Cũng đã, đang triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm để kiềm chế nợ xấu, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Thương tín Sài Gòn cho rằng: “Hiện nay, việc xử nợ xấu đang gặp khá nhiều “rào cản” khiến các tổ chức tín dụng khá “đau đầu”. Sỡ dĩ vậy là do có quá nhiều cơ quan tham gia hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu nên các trình tự, thủ tục liên quan đến xử lý tài sản thường kéo dài , tốn nhiều chi phí. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu nên đơn vị gặp nhiều khó khăn”.  

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì trong thời gian tới, nợ xấu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng khi mà các khoản nợ được cơ cấu đã hết thời hạn. Chỉ tính riêng trên địa bàn hiện có gần 80 doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, với dự nợ hơn 100 tỷ đồng, đây là con số không hề nhỏ, nếu quá trình giải quyết gặp khó khăn thì nguy cơ tăng nợ xấu là điều khó tránh khỏi. Vì thế, bên cạnh việc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì ngành Ngân hàng rất cần sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các cấp, ngành, địa phương trong công tác xử lý tài sản đảm bảo.

Việc thực hiện cơ chế bảo lãnh doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh để tăng sức hấp thụ vốn, lưu thông dòng vốn tín dụng cũng cần được các cấp, ngành xem xét kỹ lưỡng. Riêng về phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định về hoạt động ngân hàng, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, phấn đấu đến hết năm 2015, nợ xấu toàn ngành ở dưới mức 3% so với tổng dư nợ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng tiếp tục chú trọng kiềm chế nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO