Nâng cao hiệu quả sản xuất từ công tác xây dựng bản đồ sử dụng phân bón

Lê Dung| 01/06/2016 09:51

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và Môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) đã phối hợp với Dự án Tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông (Dự án 3EM) nghiên cứu xây dựng bản đồ sử dụng phân bón hiệu quả cho một số cây trồng chủ yếu tại một số xã nghèo trong vùng dự án.

ADQuảng cáo

Qua phân tích, hàm lượng hữu cơ tầng đất mặt tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) khá cao, chiếm tới 94,7% số mẫu

Theo Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và Môi trường Tây Nguyên thì phân bón dựa vào độ phì nhiêu của đất được xem là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng, giúp bà con khai thác một cách hợp lý và hiệu quả độ phì nhiêu có sẵn trong đất.

Tuy nhiên, hiện nay, quy trình chăm sóc cây trồng nói chung và quy trình sử dụng phân bón nói riêng lại chủ yếu được xây dựng cho vùng lãnh thổ rộng lớn, không phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái đặc thù nên hiệu quả ứng dụng thường rất thấp. Vì vậy, việc xây dựng bản đồ sử dụng phân bón này sẽ không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư, giảm thiểu sự ô nhiễm đối với môi trường, mà còn tăng khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trong vùng dự án…

Thông qua việc thu thập các tài liệu dưới dạng số liệu, ảnh, bản đồ và điều tra, khảo sát thực địa, lấy mẫu đất nông hóa của Trung tâm cho thấy, các mẫu đất thu thập tại 23 xã trong vùng dự án thuộc 3 nhóm đất chính, với 4 đơn vị đất khác nhau, đó là đất nâu đỏ, đất xám ferralic, đất xám bạc màu và đất đen có kết von.

Nhìn chung, đất trồng các loại cây cà phê, tiêu và khoai lang tại các xã thường có độ phì nhiêu thực tế ở mức khá. Trong tổng số 598 mẫu đất được thu thập, phân tích thì hơn 80% số mẫu có hàm lượng hữu cơ và hơn 60% số mẫu có hàm lượng N, P, K ở mức độ cấp I. Số mẫu đất còn lại chủ yếu có độ phì nhiêu thuộc cấp II. Tỷ lệ mẫu có độ phì nhiêu cấp III rất ít.

ADQuảng cáo

Qua khảo sát, phân tích cũng thấy rõ, việc phân bố độ phì nhiêu của đất giữa các huyện trong vùng dự án cũng như giữa các xã trong cùng 1 huyện và thậm chí là giữa các khoảnh đất liền kề nhau trong cùng 1 xã cũng không được đồng đều. Ngoài ra, đất sản xuất nông nghiệp tại 23 xã nghèo trong vùng dự án còn có biến động về các tính chất hóa học. Do vậy, không thể áp dụng một quy trình bón phân chung cho toàn vùng dự án được, mà cần có chế độ bón phân đặc thù cho từng tiểu vùng sinh thái thổ nhưỡng và từng đối tượng cây trồng khác nhau.

Ví dụ như với nhóm đất đỏ được cho là thường thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây lâu năm. Nhóm đất xám thì có thể trồng các loại cây công nghiệp lâu năm và ngắn ngày. Tuy nhiên, với những nơi có độ dốc cao thì nên trồng rừng và áp dụng biện pháp nông, lâm kết hợp cũng như chú ý tới việc chống xói mòn, bảo vệ đất…

Việc áp dụng kỹ thuật bón phân dựa vào kết quả phân tích đánh giá độ phì nhiêu đất cho cây cà phê, tiêu, khoai lang trên địa bàn 23 xã nghèo thuộc 5 huyện thuộc vùng Dự án 3EM sẽ góp phần bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại năng suất cao, cải thiện chất lượng nông sản và ổn định độ phì nhiêu đất cho sản xuất nông nghiệp bền vững…

Tại hội thảo giới thiệu kết quả xây dựng bản đồ sử dụng phân bón vừa qua, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 3EM tỉnh cũng cho rằng: Đây là một bộ tài liệu rất hữu ích, giúp các cán bộ khuyến nông các cấp cũng như cán bộ xã có thể sử dụng và từng bước triển khai vào thực tế, giúp bà con nâng cao thu nhập, tăng năng suất cây trồng.

Việc phân tích mẫu đất ở từng xã theo 3 loại cây trồng chính cũng sẽ giúp các địa phương xác định được thực trạng hàm lượng dinh dưỡng của đất cũng như phân bón từng vùng và đưa ra những chỉ dẫn hiệu quả. Ngoài sản phẩm này, đơn vị cũng đang tích hợp cùng với những sản phẩm khác của dự án để tạo thành một hệ thống, giúp nông dân sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Đơn vị cũng lưu ý, đây là bản đồ đi theo chuỗi giá trị nên hàm lượng phân bón, chỉ dẫn khuyến cáo cũng sẽ có những khác biệt so với quy trình chuẩn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ công tác xây dựng bản đồ sử dụng phân bón
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO