Mô hình trồng cây che bóng mát: Lợi ích kép

Văn Tâm| 29/03/2016 09:25

Mô hình trồng cà phê tiết kiệm nước hiện nay phải kể đến gia đình anh Hồ Văn Hoan ở thôn 11B, xã Đắk Lao (Đắk Mil).

ADQuảng cáo

Theo anh Hoan, từ năm 2004, sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, anh nhận thấy việc trồng xen sầu riêng, bơ mang lại nhiều kết quả khả quan. Từ đó, anh đã trồng xen 200 cây sầu riêng và 50 cây bơ vào 3,5 ha cà phê của gia đình.

Anh Hồ Văn Hoan ở thôn 11B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) - người đi tiên phong trong mô hình trồng cà phê tiết kiệm nước tưới

Anh Hoan cho biết: “Việc trồng xen các loại cây trong vườn cà phê không những phát huy được tác dụng chắn gió, che mát cho cây cà phê trong mùa khô mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cụ thể chỉ riêng thu nhập từ sầu riêng và bơ trong vườn, gia đình anh cũng có khoản thu trên 300 triệu đồng mỗi năm. Số tiền này tương đương với sản lượng cà phê từ 3,5 ha của gia đình hàng năm”.

Tương tự, tại huyện Chư Jút, trong những năm qua, từ các chương trình, dự án, địa phương đã giúp các hộ nông dân trồng cây chắn gió, đai rừng trên diện tích cà phê.

ADQuảng cáo

Theo ông Trần Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút, để triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm, huyện đã vận động người dân áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt trên cây công nghiệp dài ngày, trồng đai rừng chắn gió, trồng cây che bóng trong vườn cà phê nhằm giúp điều hòa nhiệt độ, giảm cường độ ánh sáng, bảo vệ đất, cây trồng, hạn chế cỏ dại, bốc thoát hơi nước… Qua đó, việc trồng cây che bóng đã giúp giảm thiểu được nhu cầu tưới cho cây cà phê, hồ tiêu.

Bởi trong mùa khô, hầu hết các vườn cà phê trồng thuần cần phải tưới nước từ 4-5 đợt, nhưng đối với những vườn cà phê có trồng xen cây lâu năm, trồng cây vành đai rừng chắn gió thì chỉ cần tưới có 3 đợt. Mặt khác, hoạt động này còn đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê, giúp cho các nông hộ tránh được nguy cơ thua lỗ trong trường hợp độc canh một loại cây.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh hiện có 120.000 ha cà phê. Trên diện tích này nếu được người dân trồng xen cây ăn quả, cây chắn gió thì mỗi năm, bà con không những tiết kiệm được nhiều tỷ đồng tiền đầu tư tưới nước mà còn góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ nguồn nước ngầm ở các địa phương.

Hơn nữa, việc thực hiện biện pháp đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê còn giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất, các xác bả thực vật chết sẽ cung cấp thêm từ 24-26% hàm lượng chất hữu cơ trong đất và hạn chế được các loại sâu bệnh gây hại cho vườn cà phê. Qua thực tế sản xuất, các nhà vườn áp dụng mô hình xen canh cây ăn quả, trồng đai rừng chắn gió không những gúp cho năng suất vườn cà phê tăng từ 25%-30% so với trồng thuần mà còn góp phần cải thiện môi trường đất, giúp cho khí hậu trong vườn cây được ôn hòa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình trồng cây che bóng mát: Lợi ích kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO