Mắc ca đang... "mắc cạn" (kỳ 3): Phát triển bài bản, mắc ca sẽ có vị thế

Công Tính - Phan Tuấn| 06/09/2019 10:31

Dù đang ở vào thế "mắc cạn", nhưng cũng không thể phủ nhận cây mắc ca có nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế. Nếu làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm về nguồn giống, tạo được tính bền vững trong sản xuất, cây mắc ca sẽ có được vị thế và có thể giúp nông dân làm giàu...

ADQuảng cáo

Mặc dù năng suất không cao, nhưng bù lại giá trái mắc ca thường ở mức cao, gần 100 nghìn đồng/kg

Còn thiếu sự đồng bộ

Đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức đến năm 2020 đặt ra mục tiêu: Công ty Cổ phần mắc ca Nữ Hoàng sẽ xây dựng nhà máy chế biến công suất 18.800 tấn/năm; hình thành vùng trồng mắc ca...

Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần mắc ca Nữ Hoàng cho biết, đến nay do vướng khâu giải phóng mặt bằng, nên đơn vị mới trồng được 65 ha mắc ca. Trước đó, cuối năm 2013, Công ty đã được tỉnh Đắk Nông đồng ý chủ trương giao gần 200 ha đất trồng mắc ca. Ngoài trồng mắc ca, Công ty cũng đã nỗ lực xây dựng vườn ươm giống, vườn thực nghiệm, viện nghiên cứu…

Công ty Cổ phần mắc ca Nữ Hoàng được kỳ vọng là đơn vị “đầu tàu” trong phát triển cây mắc ca ở Tuy Đức, thế nhưng cho đến nay, các khâu quan trọng như giống, kỹ thuật chăm sóc, chế biến sản phẩm hầu như vẫn đang ở vào giai đoạn... nghiên cứu. Điều này đã phần nào cho thấy, việc phát triển mắc ca ở Tuy Đức còn chưa được chuẩn bị một cách căn cơ.

Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV mắc ca Đắk Nông, khâu liên kết (Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-ngân hàng-doanh nghiệp) trong sản xuất mắc ca chưa được thực hiện. Công ty đã tìm được thị trường tiêu thụ mắc ca rất lớn, nhưng mỗi năm nguồn nguyên liệu trên địa bàn chỉ cung cấp được chừng 100 tấn, chỉ đủ cho đơn vị sản xuất trong 3 tháng. Toàn huyện mới chỉ có 194 ha mắc ca tại xã Quảng Trực được cấp chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu (Organic EU). Chất lượng và số lượng hạt mắc ca cũng chưa đủ điều kiện để có thể xuất khẩu vào EU và các thị trường khó tính khác…

Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV mắc ca Đắk Nông, để phát triển tốt cây mắc ca và nông dân làm giàu được với loại cây này, đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ từ khâu quy hoạch, kiểm soát nguồn giống, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ chế biến, tạo thị trường đầu ra... Muốn được như vậy, ngành chức năng trước hết cần cơ cấu lại khâu tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sớm đưa ra kết quả khảo nghiệm giống, nghiên cứu và phổ biến các kỹ thuật chăm sóc để sớm giúp bà con duy trì được diện tích mắc ca hiện nay trước khi tính tới chuyện mở rộng thêm diện tích.

ADQuảng cáo

Không hiểu rõ về quy trình sản xuất, nên mọi khâu chăm sóc cây mắc ca được nhiều nông dân Tuy Đức làm theo kinh nghiệm

Tiếp tục phát triển, nhưng cần thận trọng hơn

Qua thời gian phát triển cây mắc ca ở huyện Tuy Đức cho thấy, công tác quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn cần phải có sự nhìn nhận một cách cẩn trọng hơn. Ngay trong đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca, kể cả ngành Nông nghiệp lẫn UBND huyện Tuy Đức cũng chỉ mới khẳng định, cây trồng này đang ở dạng “tiềm năng phát triển ở một số vùng sinh thái”. Thế nhưng, với những lợi thế về khí hậu, phù hợp với điều kiện chăm sóc của đồng bào dân tộc thiểu số, nên cây mắc ca vẫn cần được khuyến khích trồng ở một số vùng tại Tuy Đức.

Đến năm 2020, cả nước chỉ trồng 10.000 ha mắc ca

Ngày 6/4/2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT có công văn gửi các tỉnh có phát triển cây mắc ca. Bộ khẳng định, chưa có căn cứ khoa học để quy hoạch phát triển loại cây này, đồng thời chỉ cho phép trồng tối đa 10.000 ha mắc ca từ năm 2015 đến 2020. Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm cây mắc ca tại địa phương; xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu đối với phát triển cây mắc ca. Việc phát triển mắc ca trên quy mô lớn nhất thiết phải bảo đảm các điều kiện này và khi tổ chức phát triển trồng mới phải gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm…

Nói về cây mắc ca ở Tuy Đức, theo Tiến sỹ Hoàng Mạnh Cường, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trước mắt, đối với những diện tích cho năng suất thấp thì địa phương nên khuyến khích nông dân cải tạo, ghép những giống đã cho trái ổn định. Mặt khác, địa phương cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, các ngành có liên quan và địa phương phải đánh giá lại công tác quy hoạch.

“Có thể khẳng định, khi phát triển cây mắc ca hay các cây trồng khác thì việc quy hoạch phải làm bài bản và lô-gíc. Lô-gíc ở đây là sinh thái có trồng được mắc ca hay không. Ngoài việc xác định được giống thì phải làm rõ được quy trình chăm sóc và sau đó là bán cho ai”, Tiến sỹ Hoàng Mạnh Cường phân tích.

Tiến sỹ Hoàng Mạnh Cường cho biết thêm, quy hoạch ở đây không phải là quy hoạch đất đai. Quy hoạch phải hiểu đó là quy hoạch vùng sinh thái. Bởi vì, với vùng sinh thái đó thì trồng giống đó, quy trình chăm sóc đó. Mặt khác, khâu thị trường phải xác định cụ thể là thị trường nào (Trung Quốc, Trung Đông, EU…).

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Mạnh Cường, thông thường chúng ta hay có suy nghĩ, cứ trồng trước, còn việc bán sản phẩm mới tính sau. Tuy nhiên, cách nghĩ này lại đi ngược với thế giới. Ngay như cây bơ, cây sầu riêng vốn đã quen thuộc với vùng đất Tây Nguyên thì Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn chỉ đạo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu sâu về chuỗi giá trị, chứng nhận vùng trồng, xuất xứ hàng hóa… Chỉ có như vậy mới xuất khẩu hàng hóa chính ngạch được. Tương tự, đối với cây mắc ca cũng vậy, không làm tốt được vấn đề này thì khó mà xuất khẩu được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắc ca đang... "mắc cạn" (kỳ 3): Phát triển bài bản, mắc ca sẽ có vị thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO