Loại bỏ những "nút thắt" về cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Đức Diệu| 17/05/2016 10:39

Hệ thống các doanh nghiệp (DN) có một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước với mức đóng góp trên 34% GDP và hơn 43% lượng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm. Việc không ngừng lắng nghe, tiếp thu ý kiến để từng bước loại bỏ những “nút thắt”, tạo điều kiện cho DN hoạt động đang là quyết tâm của Chính phủ hiện nay trong chiến lược phát triển thời kỳ hội nhập.

ADQuảng cáo

Tại cuộc họp trực tiếp với các DN và trực tuyến với các tỉnh, thành phố của Chính phủ vừa qua, các thành viên Chính phủ cho rằng, thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho DN hoạt động. Tuy nhiên, tiến trình cải cách của chúng ta vẫn còn chậm, nhiều nội dung, lĩnh vực kém hiệu quả. Từ đây, môi trường hành chính công đã vô hình tạo ra những lực cản hạn chế đến sự phát triển của các DN.

Một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đắk R'lấp kinh doanh vật tư nông nghiệp

Những rào cản về cơ chế

Theo thống kê, trong năm 2015, cả nước có khoảng 80.000 DN làm ăn thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giải thể. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, toàn quốc có hơn 23.000 DN phải giải thể, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong số các DN đang hoạt động, cả nước chỉ có 42% làm ăn có lãi, 58% DN làm ăn thua lỗ. Ngoài sự tác động tiêu cực của tình hình kinh tế chung, hạn chế từ năng lực của DN thì  nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh của chúng ta hiện nay vẫn còn những bất cập về cơ chế, chính sách.

Dễ thấy nhất là hiện nay, mặc dù các luật liên quan của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng tình trạng các nghị định, văn bản dưới luật ban hành chậm, chồng chéo đã và đang diễn ra khá phổ biến.

Toàn quốc hiện còn tồn tại khoảng 6.000 “giấy phép con” như là một minh chứng rõ nét cho một nền hành chính thiếu tính mạch lạc với độ tin cậy chưa cao. Một số luật của nhà nước sau khi ban hành chậm đi vào cuộc sống, tạo ra “tắc nghẽn” trong điều hành cũng như sự vận động của các DN.

Đơn cử như luật Phá sản đã ban hành khá lâu song hiện vẫn còn rất nhiều DN “xác sống” do có quá nhiều thông tư hướng dẫn dưới luật chồng chéo, khó thực thi quy trình phá sản của DN. Chưa kể đến, tình trạng cùng một nội dung, lĩnh vực nhưng mỗi nơi lại thực hiện một kiểu, thiếu sự thống nhất, thông suốt đã dẫn đến môi trường cạnh tranh thiếu tính bình đẳng.

Nhiều DN còn cho rằng, các cơ chế của chúng ta tuy đã có cải thiện nhiều nhưng mức độ an toàn thấp do tính rủi ro trong quá trình thực thi cao; mức độ thông quan hàng hóa với các nước chậm và tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ chuyên ngành… đã phần nào làm mất lòng tin của các nhà đầu tư.

ADQuảng cáo

Trong lĩnh vực tài chính, vài năm gần đây, với quyết tâm của Chính phủ trong điều hành tiền tệ, mức lãi suất trần cho vay từ các ngân hàng thương mại cộng với những gói hỗ trợ  linh hoạt phần nào đã tạo cho DN tiếp cận nguồn vốn, đầu tư mở rộng  sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay thì mức lãi suất thực từ 7 đến 8%/năm vẫn còn quá cao so với các nước trên thế giới (Philippin 2,5%; Malaysia 2,1%...) khiến các DN trong nước khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Bảo hiểm xã hội của DN Việt Nam cũng đang phải chịu mức gấp đôi, gấp ba so với DN khối Asian, trong khi lợi ích của người lao động được hưởng lại chưa nhiều…Ngoài ra, tình trạng phí chồng phí, thanh tra chồng chéo, khó khăn trong tiếp cận đất đai, nộp thuế nhà nước… cũng đã tạo ra những rào cản hạn chế đến quá trình phát triển của DN.

Quyết tâm cải thiện

Với xu thế hội nhập toàn diện và sâu rộng như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh là quyết tâm của Chính phủ  nhằm  củng cố niềm tin, tạo điều kiện để  DN phát triển.

Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhóm giải pháp chủ yếu để “lượng hóa” hệ thống thể chế  nhằm bảo đảm sự bình đẳng cho DN trong tiếp cận các nguồn lực. Trước hết, bằng hệ thống pháp luật, chính sách liên quan, nhà nước cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, bảo vệ, tạo môi trường kinh doanh ổn định, an toàn cho DN. Các chính sách ban hành phải đáp ứng tính kịp thời, lượng hóa, tạo thuận lợi cũng như động lực để DN phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách cần làm rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan chủ quản. Nhà nước sẽ giảm dần và tiến tới loại bỏ tình trạng “giấy phép con” để tăng tính minh bạch, hiệu quả hệ thống chính sách. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như xây dựng cơ chế hiệu quả để phát huy thành quả trí tuệ nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo.

Các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu cho Chính phủ thành lập quỹ khởi nghiệp, quỹ rủi ro mạo hiểm; xây dựng chính sách hỗ trợ có lựa chọn một số ngành, nghề, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho DN hoạt động. Trước mắt, Chính phủ sẽ thành lập diễn đàn để tiếp thu ý kiến phản hồi, cũng như những đóng góp ý kiến của DN nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn tồn tại để khắc phục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, tiếp cận đất đai, thuế, tài chính ngân hàng… thì cần phải có cam kết mang tính thực thi cao với cộng đồng DN về lộ trình thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, đề xuất của doanh nhân.

Rõ ràng, việc nhận diện hạn chế và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ đã khá rõ ràng, cho thấy động thái tích cực trong việc điều hành, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để quyết tâm đó trở thành nhiệm vụ hiện hữu, tạo động lực cho phát triển cần đòi hỏi sự vào cuộc một cách đồng bộ và tích cực của các bộ, ngành, địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ những "nút thắt" về cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO