Liên quan đến giải quyết cấp đất sản xuất khu vực Thủy điện Đồng Nai 3: Thận trọng, chặt chẽ khi triển khai phương án cấp tiền cho dân mua đất sản xuất

Bình Minh| 16/08/2016 10:20

Ngày 3/8/2016, UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Ban quản lý Thủy điện 6 (Chủ đầu tư), các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Đắk Glong đã đi đến thống nhất sẽ triển khai phương án cấp tiền cho người dân mua đất sản xuất thay cho phương án bố trí đất tái định canh. Tuy nhiên, cách làm này đang có nhiều ý kiến khác nhau vì lo ngại rằng phương án này có bảo đảm ổn định được cuộc sống lâu dài cho người dân.

ADQuảng cáo

Cần bảo đảm sự ổn định, sinh kế lâu dài cho người dân

Tại cuộc họp, các bên liên quan cũng đã trình bày ý kiến nêu một số kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với UBND huyện Đắk Glong trong thời gian qua chưa tốt nên nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, khiến thời gian kéo dài mà việc cấp đất sản xuất của người dân mãi vẫn chưa giải quyết được.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Ban quản lý Thủy điện 6 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, về phía chủ đầu tư, đơn vị không thiếu kinh phí triển khai các phương án tái định canh cho người dân. Phương án cấp tiền cho người dân tự thỏa thuận đi mua đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị chủ đầu tư.

Ông Quang cũng cho biết, trong những năm qua, phương án mà Ban quản lý Thủy điện 6 đầu tư kinh phí tiến hành khai hoang lấy đất, rồi sau đó phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cấp đất sản xuất cho người dân không thực sự hiệu quả. Cụ thể, do việc quản lý không tốt nên cứ khai hoang đến đâu, người dân lấn chiếm trồng cây công nghiệp đến đó. Do vậy, việc thu hồi các diện tích đất mà người dân lấn chiếm hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp, vì những nơi này được trồng cà phê, hồ tiêu đã bước vào thời kỳ kinh doanh.

Về phía UBND huyện Đắk Glong cũng ủng hộ phương án cấp tiền cho người dân tự đi mua đất sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải cẩn trọng và có trách nhiệm đối với dân, không thể làm cho xong chuyện mà phải bảo đảm được sinh kế cho người dân.

Nhiều hộ dân khu tái định cư xã Đắk P'lao (Đắk Glong) sẽ được cấp tiền mua đất sản xuất thay cho phương án bố trí đất tái định canh

Thận trọng khi cấp tiền cho dân

Có lẽ, bài học nhãn tiền từ hỗ trợ đền bù cho người dân liên quan đến việc triển khai Dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 vẫn còn đó. Không được trang bị, tập huấn kiến thức nên số tiền được nhà nước đền bù, hỗ trợ về nhà cửa, hoa màu để nhường đất triển khai dự án thủy điện, người dân cứ thế tiêu xài hết và hậu quả cuối cùng là cái đói, cái nghèo lại tiếp tục hiện hữu.

ADQuảng cáo

Ông Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: “Đối với người dân đến nay chưa được cấp đất tái định canh, UBND huyện Đắk Glong chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã có liên quan kiểm tra, rà soát thực trạng cuộc sống của các hộ dân xem họ đã có đất canh tác ở nơi khác hay chưa. Trên cơ sở đó, Huyện ủy, UBND huyện lấy ý kiến của người dân về phương án xử lý nhận tiền hoặc nhận đất nhằm bảo đảm sự đồng thuận và phù hợp quy định của pháp luật”.

Cũng theo ông Tùng thì đối với những hộ chưa có đất sản xuất khi muốn nhận tiền, UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương gặp gỡ đối thoại với người dân để giải quyết mục đích cuối cùng là cuộc sống ổn định, bền vững.

Trao đổi về vấn đề này, ông Y Quang, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho biết: “Qua gặp gỡ, đối thoại lấy ý kiến của người dân thì đa phần bà con muốn nhận tiền để tự đi mua đất sản xuất. Bởi trong 6 năm qua, người dân đã chờ đợi quá lâu rồi mà vẫn chưa có đất sản xuất nên việc đòi nhận tiền cũng là điều dễ hiểu. Để triển khai phương án này, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, ngành, đoàn thể của huyện, xã triển khai các giải pháp giúp người dân sử dụng đồng tiền cho hiệu quả”.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao (Đắk Glong) cho rằng: “Đây là phương án hiện nay được coi là khả thi nhất. Việc cấp tiền này không phải phát tiền đồng loạt cho các hộ dân mà giám sát làm đối với từng hộ. Tức là sau khi người dân chọn đất, đại diện các cơ quan chuyên môn của huyện, xã sẽ ra hiện trường khảo sát thực tế rồi mới đồng ý trao tiền cho dân”.

Tuy nhiên, với số lượng hiện nay gần 300 hộ đủ điều kiện được bố trí đất sản xuất với diện tích 1 ha/hộ và không đủ điều kiện tái định canh nhưng vẫn được bố trí đất sản xuất bằng 50% hộ đủ điều kiện với diện tích là 0,5 ha/hộ chưa được cấp đất sản xuất, tổng diện tích đất tái định canh là gần 350 ha thì việc giám sát chặt chẽ từng hộ một xem ra là điều hết sức khó khăn.

Được biết, toàn xã Đắk P’lao hiện nay đã có tới 80% hộ nghèo nên việc cấp tiền cho dân nếu không được quản lý, kiểm soát tốt là rất rủi ro. Chuyện người dân có tiền dùng trả nợ, tiêu xài nhu cầu cấp thiết cá nhân là dễ xảy ra.

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết thêm: “Phương án người dân nhận tiền tự thỏa thuận đi mua đất sản xuất hiện nay chỉ là một trong những phương án khả thi đang tính tới. Vì thế, mức tiền trên 1 ha đất sản xuất cũng chưa thể tính toán được. Phương án này một khi thống nhất triển khai phải bàn bạc một cách chi tiết hơn”.

Có lẽ, việc cấp tiền cho người dân tự đi mua đất sản xuất cũng chỉ là một trong nhiều phương án khi mà các cách làm trước đây không hiệu quả và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hiệu quả của phương án này mặc dù chưa thể đánh giá được nhưng cách làm phải thực sự thận trọng, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc vì sự phát triển bền vững của người dân thì mới có thể bảo đảm được vấn đề an sinh xã hội, tránh tình trạng làm cho xong chuyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên quan đến giải quyết cấp đất sản xuất khu vực Thủy điện Đồng Nai 3: Thận trọng, chặt chẽ khi triển khai phương án cấp tiền cho dân mua đất sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO