Liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm bơ

Thanh Hà| 25/05/2022 09:38

Việc tổ chức các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều hộ dân ở Quảng Sơn tạo ra được những sản phẩm bơ chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

ADQuảng cáo

Gia đình anh Trần Văn Thoan, ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) bắt đầu trồng bơ cách đây hơn 10 năm. Sau nhiều năm thử nghiệm các loại bơ khác nhau, anh Thoan đã chọn giống bơ Booth 7 để trồng chuyên canh trên diện tích 2 ha.

Theo anh Thoan, giống bơ Booth 7 có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng khỏe mạnh. Loại bơ này thân to, tán rộng, nhiều quả. Mỗi ha đất anh trồng được hơn 100 cây bơ Booth 7.

Giống này đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất ở Quảng Sơn. Vì thế, năng suất bình quân vườn bơ của anh đạt trên 10 tấn quả/ha/năm.

Chất lượng bơ cũng được đánh giá khá vượt trội. “Tôi đã tìm hiểu nhiều nơi, nhưng thấy bơ Booth 7 tại Đắk Nông là có chất lượng tốt nhất, rất thơm ngon”, anh Thoan nhận định.

Vườn bơ của anh Trần Văn Thoan đạt tiêu chuẩn VietGAP, cho hiệu quả cao

Cũng theo anh Thoan, nhiều hộ dân ở Quảng Sơn lựa chọn trồng bơ Booth 7, vì loại bơ này cho quả chín muộn hơn so với các giống bơ khác. Nhờ vậy, loại bơ này dễ tiêu thụ hơn, giá bán cũng cao hơn so với các loại bơ khác.

Từ năm 2021, anh Thoan cùng một nhóm hộ dân ở xã Quảng Sơn tham gia vào Tổ sản xuất bơ Booth 7. Tổ sản xuất này được công nhận là vùng sản xuất bơ Booth 7 đạt tiêu chuẩn VietGAP từ cuối năm 2021, với diện tích 7 ha.

ADQuảng cáo

Anh Đỗ Viết Sỹ, thành viên Tổ sản xuất cho biết, được hỗ trợ, những người trồng bơ đã thay đổi nhận thức về sản xuất. Thay vì theo đuổi năng suất, các hộ đã hướng đến chăm sóc, sản xuất bơ an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín trên thị trường.

Theo các thành viên trong Tổ sản xuất bơ Booth 7, nhờ chất lượng tốt, bơ tại địa phương khá dễ bán. Mặc dù chịu nhiều biến động của thị trường, bơ của Tổ sản xuất vẫn giữ được giá cao hơn so với giá thị trường.

Vào đầu vụ và chính vụ (tháng 4 - 9), bơ Booth 7 VietGAP của Tổ sản xuất có giá bán dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Vào cuối vụ (tháng 10 - 11), bơ có giá bán trên 30.000 đồng/kg.

Bơ Booth 7 tại Quảng Sơn có năng suất cao, thường thu hoạch muộn hơn so với các loại bơ khác

Nhờ có giá bán cao, các thành viên trong Tổ sản xuất đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc vườn cây. Những cây khỏe, được chăm sóc tốt sẽ có sức nuôi dưỡng và giữ bơ dài tới cuối vụ.

Ông Nguyễn Phi Dương, một thành viên của Tổ sản xuất bơ Booth 7 kỳ vọng: "Sau khi được công nhận VietGAP và có tem truy xuất, vùng bơ của chúng tôi được nhiều người biết đến. Chúng tôi sẽ đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn".

Theo Sở NN-PTNT, diện tích bơ toàn tỉnh những năm qua liên tục tăng và hiện đạt khoảng 4.500 ha. Bơ của Đắk Nông có năng suất, chất lượng vượt trội so với các địa phương khác, nhưng chịu chung cảnh tiêu thụ khó khăn.

Hiện Sở NN-PTNT đã giao cho các đơn vị chuyên môn hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Trong đó, khi xây dựng được các vùng sản xuất bơ VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ người dân kết nối thị trường, tiêu thụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm bơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO