Liên kết phát triển vùng Tây Nguyên: Chưa đạt kết quả như mong muốn

Q.S| 13/02/2014 10:05

Với mục tiêu tạo ra mối liên kết vùng để các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên phát huy thế mạnh, tiềm năng và cùng nhau phát triển; tạo cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), thương mại và du lịch, tháng 7/2012, Trung tâm XTĐT các tỉnh trong vùng đã thảo luận và thống nhất chương trình phối hợp thực hiện việc liên kết vùng.

ADQuảng cáo

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, việc liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên trong lĩnh vực XTĐT, thương mại và du lịch đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể như tổ chức thành công Hội nghị XTĐT Tây Nguyên lần thứ 2 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Diễu hành voi trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Tâm

Việc liên kết thông tin trên website về đầu tư, thương mại, du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm đã được thực hiện khá tốt. Riêng đối với việc hợp tác giữa hai Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã triển khai đạt được nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và kết quả thực tế thì việc liên kết vùng của các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập chứ chưa được như mong đợi. Cụ thể như mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong công tác XTĐT nhưng kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ở Tây Nguyên vẫn còn rất hạn chế.

Tính đến hết năm 2013, toàn khu vực Tây Nguyên chỉ thu hút được 139 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 811 triệu USD. Như vậy, ĐTNN vào khu vực Tây Nguyên chiếm tỉ lệ nhỏ so với các tỉnh Duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Cụ thể, chiếm khoảng 17% số dự án và 3,3% tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bằng 0,9% số dự án và 0,35% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.

Theo ông Lê Văn Một, Phó Giám đốc Trung tâm XTĐT Đắk Nông thì những tồn tại trong việc thực hiện liên kết vùng ở Tây Nguyên xuất phát từ những nguyên nhân như việc lựa chọn hình thức liên kết chưa phù hợp, chưa đáp ứng được điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu phát triển của vùng Tây Nguyên.

Cách thức triển khai các nội dung chương trình liên kết chưa cụ thể rõ ràng, chưa có sự phối hợp trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị nên không thể tránh khỏi tình trạng liên kết chỉ là trên giấy tờ. Bên cạnh đó, nội dung liên kết vùng còn quá rộng, thiếu chiều sâu dẫn đến tình trạng thừa ở điểm này nhưng lại thiếu ở nội dung khác.

ADQuảng cáo

Cơ quan đầu mối trong việc liên kết là Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa thực sự vào cuộc cùng với các địa phương để tăng tính liên kết vùng…

Ông Một dẫn ví dụ cho sự liên kết còn lỏng lẻo như: Việc xây dựng các danh mục đầu tư, các tỉnh tự làm, tự xây dựng cho địa phương mình các danh mục kêu gọi đầu tư, sau đó đưa ra tại các hội nghị XTĐT chứ không hỗ trợ nhau cùng xây dựng một danh mục thế mạnh nào đó của một tỉnh, để các tỉnh cùng hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh đó phát triển thành thế mạnh nhất của mình và nâng tầm thành thế mạnh của cả vùng.

Trong việc liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì thời gian qua, chỉ có hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng triển khai thực hiện được nhiều dự án hợp tác phát triển nông nghiệp như các nhà khoa học, các doanh nghiệp hỗ trợ người dân Đắk Nông trồng rau sạch, trồng hoa.

Quá trình xây dựng các danh mục kêu gọi đầu tư thì việc thông tin cho nhau còn thiếu, thông tin các danh mục cho các nhà đầu tư cũng chỉ chung chung. Ví dụ như khi có danh mục đầu tư xây dựng nhà máy nào đó, chỉ có thông tin về dự án chứ không có thông tin về hiện trạng đất, thông tin về tình hình địa phương, nguồn nhân lực để doanh nghiệp nắm vững…

Trung tâm XTĐT Lâm Đồng là đơn vị hỗ trợ nông dân Đắk Nông trong việc trồng hoa

Theo ông Một thì trong thời gian tới, để phát huy, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động liên kết phát triển trong thu hút đầu tư du lịch, thương mại, các địa phương, các Trung tâm XTĐT trong vùng cần tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động kết nối, hợp tác giữa các địa phương, đặc biệt là kết nối về mặt thông tin, liên kết website.

Trong đó, chú ý trao đổi, cung cấp thông tin về tiềm năng, nhu cầu thu hút đầu tư, các sự kiện hàng năm của mỗi địa phương để thông báo hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Các hoạt động XTĐT cần có sự gắn kết với nhau giữa các tỉnh để tạo thành một thể thống nhất, động bộ giữa các địa phương trong vùng. Việc tổ chức các hoạt động XTĐT ra nước ngoài nên tổ chức thành một đoàn bao gồm tất cả các tỉnh Tây Nguyên dưới sự chủ trì, điều phối chung của Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoặc các bộ, ngành liên quan.

Hàng năm, mỗi trung tâm xây dựng kế hoạch XTĐT của địa phương mình gửi cho Trung tâm XTĐT miền Trung tổng hợp, xác nhận nhu câu xúc tiến cho năm tiếp theo, tránh trùng lặp về mặt nội dung, gây lãng phí về kinh tế. Qua đó, đánh giá lại kết quả của việc liên kết vùng trong thời gian qua để tìm hướng đi mới, phù hợp với tình hình kêu gọi đầu tư…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết phát triển vùng Tây Nguyên: Chưa đạt kết quả như mong muốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO