Liên kết để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả hơn

Văn Tâm| 19/05/2020 09:00

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trên địa tỉnh. Thế nhưng, qua thống kê của ngành chức năng, đối tượng chịu thiệt hại chủ yếu là các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Còn các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn có quy mô lớn vẫn an toàn, thậm chí còn được hưởng lợi do giá thịt lợn tăng cao. Từ thực tế này, ngành chức năng khuyến cáo người dân nên có sự liên kết để chăn nuôi lợn một cách có quy mô, đạt hiệu quả cao hơn..

ADQuảng cáo

Hiện nay, khó khăn đang bủa vây nông dân khi thực hiện tái đàn lợn. Đó là những khó khăn về  con giống, dịch bệnh, giá cả nông sản xuống thấp… Thế nhưng, đó chỉ là đối với nông dân. Còn với các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn vẫn đang "hưởng lợi" nhờ không bị tác động bởi dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng cao.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Đình Quang, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nên phòng tránh được dịch bệnh

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp – PTNT), từ đầu năm đến nay, các trại chăn nuôi lợn tại huyện Đắk R’lấp, Cư Jút đã xuất ra thị trường 27.000 con lợn, mang về doanh thu rất lớn. Trong khi đó, hầu như các hộ gia đình, người dân chăn nuôi lợn đều bỏ chuồng không vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong thời gian diễn ra dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các địa phương đều xuất hiện dịch. Tuy nhiên, cũng trong vùng dịch, nhưng các trang trại chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp lại không bị nhiễm bệnh. Họ vẫn chủ động ổn định đàn, điều tiết thị trường và tái đàn một cách bình thường.

Ông Đoàn Văn Đáp cho rằng, đối với các với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện nay khó khăn về con giống cũng như về phòng chống dịch bệnh thì tốt nhất và không còn giải pháp nào khác là thực hiện liên kết với nhau theo từng nhóm hộ, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) chăn nuôi. Khi thành lập được THT, HTX, việc phát triển chăn nuôi của bà con mới tạo được những lợi thế, có năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, thông qua các gia trại, THT, HTX, người chăn nuôi mới có cơ sở để ký hợp đồng về con giống, vật tư, khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi. Bởi vì khi xóa bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, hình thành các nhóm, THT, HTX, bà con mới tạo ra được đầu mối hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường tiêu thụ, lập kế hoạch tăng đàn…

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Đáp, từ nhiều năm nay, có không ít các doanh nghiệp đã đề xuất ý tưởng xây dựng các đầu mối liên kết cùng với nông dân phát triển chăn nuôi, nhưng để liên kết với vài chục hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì rất khó thực hiện. Do đó, các hộ chăn nuôi gia nhập vào các THT, HTX thì việc thực hiện chuỗi giá trị cung cầu như cung cấp con giống, vật tư, phòng chống dịch, giết mổ… với doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, các THT, HTX có thể tự tổ chức các bộ phận để thực hiện “trọn gói” từ sản xuất đến tiêu thụ. Đây chính là cơ hội để các hộ chăn nuôi thực hiện chuỗi giá trị tư vấn sản xuất thông qua các mối liên kết, kết nối cung cầu.

Đắk Nông là một trong những tỉnh có cơ sở sản xuất lợn giống có quy mô khá lớn. Hiện nay, ở huyện Chư Jút có Công ty GreenFarm quy mô 5.000 lợn nái. Huyện Đắk R’lấp có 2 cơ sở lợn giống là HTX Đồng Tiến 1 và Đồng Tiến 2 hàng năm cũng xuất chuồng hàng chục ngàn lợn con giống. Thế nhưng, các đơn vị này đều không bán lợn giống cho các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh thiếu lợn giống để tái đàn. Điều này càng chứng minh rằng, liên kết trong chăn nuôi lợn là một xu thế, cần được đẩy mạnh cho người dân.

Trong những năm qua, việc phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình truyền thống hộ gia đình của tỉnh phát triển khá mạnh. Đơn cử, năm 2018, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt hơn 174.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 27.000 tấn. Tuy nhiên, khi tổng đàn vật nuôi lớn thường xảy ra cung vượt cầu, sản phẩm thịt lợn của nông dân không bán được. Đây là một nghịch lý, người dân nuôi được lợn nhưng không bán thịt được, trong khi khâu sản xuất khó hơn gấp nhiều lần khâu tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Thành Đồng, một hộ chăn nuôi lợn ở xã Hưng Bình (Đắk Song), từ trước đến nay, những người thu mua lợn thịt, buôn bán thịt lợn đều là những người không có công ăn việc làm mới hành nghề này. Họ thiếu chuyên nghiệp, ít tuân thủ các nguyên tắc thị trường và thường có thói quen "ép giá" nông dân. Do vậy, người chăn nuôi bỏ nhiều công sức, nhưng kết quả là luôn phải chịu thiệt, lợi nhuận thấp. Điều này cho thấy, nếu tổ chức sản xuất chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, sản phẩm được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, các hộ chăn nuôi sẽ có đủ năng lực để cạnh tranh theo hệ thống. Sản phẩm thịt lợn của các THT, HTX không chỉ được các doanh nghiệp liên kết thu mua mà bà con còn tham gia vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị. Khi đó, các thương lái, các hộ mua bán thịt lợn sẽ chủ động tham gia vào chuỗi hệ thống bán hàng, vì nếu không tham gia họ sẽ không có nguồn hàng. Người dân tránh được cảnh bị tư thương ép giá hoặc kêu gọi “giải cứu”.

Việc hình thành các nhóm hộ, THT, HTX chăn nuôi ở các địa phương không chỉ giúp các hộ chăn nuôi bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn giúp các địa phương tạo được thương hiệu, phát triển bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO