Làng Hà Nội ở Quảng Sơn

Bài, ảnh: Phạm Khánh| 09/01/2019 09:42

Năm 2003, từ khi theo chủ trương di dân vào ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) xây dựng kinh tế mới, đến nay 60 hộ dân gốc Hà Nội đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

ADQuảng cáo

Một thời gian khó

Nhớ lại hơn 16 năm trước, anh Nguyễn Văn Thân, một người dân ở thôn 5 kể: “Ngày đó, khi bước chân đến vùng đất mới, điện, đường, trường, trạm, phương tiện để đi lại đều là con số không. Ngoài một tờ Báo Hà Nội vô tình mang theo để gói đồ đạc, cả làng đọc đi đọc lại thì chẳng ai biết gì bên ngoài, mọi thông tin coi như mù tịt. Cuộc sống ở quê vốn khó khăn, nay càng gian nan hơn, mỗi gia đình chỉ có lưng vốn làm tạm một túp lều để che nắng, che mưa và trang trải buổi đầu bỡ ngỡ. Không có phương tiện xe máy đi lại, nên quanh năm bà con cứ luẩn quẩn xung quanh xóm làng. Việc canh tác đều theo tập quán ở quê, nên không mang lại được nguồn thu nhập đáng kể”.

Vườn bơ của anh Nguyễn Văn Thân cho thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm

Lúc bấy giờ, hầu hết các gia đình ở đây chỉ trồng cây sắn, cây bắp, lúa rẫy, còn rau và thực phẩm đều dựa vào sản phẩm tự nhiên, không ai có đủ vốn đầu tư vào chăn nuôi. Nguồn nước ở xa, lại không đủ tiền đầu tư hệ thống tưới, mùa được mùa mất, chủ yếu dựa vào sự thuận lợi của thời tiết. Ngay cả nước sinh hoạt hàng ngày cũng lấy từ khe suối, không một gia đình nào đủ điều kiện để đào giếng. Bởi vậy, có một số hộ đi tìm miền đất khác, hoặc về lại quê cũ để sinh sống, chỉ còn 60 hộ vẫn bám trụ cho đến tận hôm nay.

Thu nhập từ trồng bơ, anh Nguyễn Văn Thân đã xây được nhà khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghị sinh hoạt

Anh Trần Văn Tuấn cũng “rùng mình” nhớ lại: “Không đi xa được, người trong làng chỉ nghe ngóng tin từ truyền miệng về việc trồng cây điều, cao su, cà phê, tiêu sẽ cho thu nhập khá. Thế rồi, cả làng về quê vay mượn ít tiền mua cây giống, cần cù làm đất trồng theo. Nhưng rốt cuộc, hiệu quả kinh tế không khá hơn, vì kỹ thuật, nước tưới thiếu, cây giống chết, số sống được thì còi cọc, chẳng mang lại lợi ích gì. Đã thế, mọi người còn phải đối diện với dịch sốt rét vì mùng màn rách nát, uống nước suối không đun sôi. Khoảng thời gian khốn khó mà các hộ dân ở đây tìm lối thoát nghèo kéo dài hơn 10 năm”.

Cây sầu riêng đã giúp gia đình anh Trần Văn Tuấn chấm dứt nghèo suốt 13 năm

ADQuảng cáo

Vươn lên làm giàu từ bơ, sầu riêng

Nếu cứ theo đà này thì viễn cảnh sẽ tăm tối, nên Trưởng thôn Phạm Hồng Đường trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế để cả xóm cùng nhau thay đổi cuộc đời. Rồi ông tổ chức họp bàn với những người trong thôn gom tiền mua được 2 chiếc xe máy “Min khơ” với giá 3 triệu đồng để anh em đi ra ngoài học tập.

Có xe máy, ra được với bên ngoài tìm hiểu chuyện làm ăn, cả thôn quyết định trồng thử nghiệm cây bơ. Năm 2013, anh Nguyễn Văn Thân là người đi đầu mạnh dạn chặt bỏ 2 ha cây điều để trồng giống bơ booth, bơ 034. Những giống bơ mới xem ra phù hợp với chất đất, thời tiết nên phát triển xanh tốt, đến kỳ ra hoa cho đậu quả cao. Cần cù chăm sóc, chỉ hai năm sau, vườn bơ của gia đình anh Thân bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng khoảng 10 tấn. Với giá thị trường, sau khi trừ chi phí, gia đình anh cũng thu về 500 triệu đồng, gấp cả chục lần so với cây điều, cây cao su.

Anh Thân cho biết: “Với thành quả từ trồng bơ của vụ đầu tiên thật sự quá sức tưởng tượng đối với gia đình tôi. Năm nay, vườn bơ đạt 18 tấn, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, gia đình cũng thu về 900 triệu đồng, trừ chi phí chăm sóc lãi được 800 triệu đồng. Nguồn thu từ bơ trong 3 năm qua, tôi xây được căn nhà khang trang, mua sắm tiện nghi, xe cộ, nhất là hệ thống máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Ngoài 2 ha bơ nói trên, hiện tại, gia đình tôi đã trồng thêm 2 ha bơ nữa, sang năm thì sẽ cho thu bói”.

Trưởng thôn Phạm Hồng Đường cho hay: 60 hộ dân năm xưa di dân từ Hà Nội vào, hiện nay có 5 hộ thu nhập trên 700 triệu đồng/năm, 40 hộ đạt 200 triệu đồng, 15 hộ đạt dưới 150 triệu đồng. Tổng diện tích trồng bơ của cả thôn là 70 ha, sầu riêng 3 ha. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm bơ của thôn 5 đã khẳng định trên thị trường, được khách hàng nhiều nơi biết đến và thu mua. Trong năm qua, tại Hội thi trái bơ ngon do tỉnh tổ chức, thôn 5 có 2 người là ông Nguyễn Văn Đương và ông Nguyễn Phi Dương đều đạt giải. Chính vì thế, Tập đoàn T&T đã về tìm hiểu, xúc tiến hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm bơ cho bà con theo hướng bền vững.

Cùng thời điểm với anh Thân, anh Trần Văn Tuấn và 3 hộ dân khác cũng chặt bỏ cây điều, cao su để trồng bơ và sầu riêng. Riêng anh Tuấn chặt bỏ 1 ha điều để trồng giống sầu riêng Thái Lan. Cũng giống với cây bơ, cây sầu riêng phát triển rất nhanh, sau 3 năm chăm bón bắt đầu cho quả ngọt với sản lượng hơn 5 tấn, trừ công chăm sóc, chi phí, anh thu về hơn 300 triệu đồng. Còn trong 2 năm trở lại đây, khi vườn sầu riêng đã bước vào thời điểm kinh doanh, sản lượng bình quân đạt 12 tấn/ha, trừ chi phí, công chăm sóc, gia đình anh thu về 700 triệu đồng.

Anh Tuấn cho hay: “Nhờ chuyển sang trồng sầu riêng, gia đình tôi chấm dứt thời kỳ đói, nghèo kéo dài 13 năm. Kinh tế gia đình ổn định, tôi có điều kiện đầu tư trồng thêm 2 ha sầu riêng nữa. Giờ có vốn liếng dồi dào, tôi khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới nước, phương tiện máy móc hiện đại phục vụ sản xuất”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Hà Nội ở Quảng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO