Lan tỏa sản xuất cà phê theo chuẩn quốc tế

Hồng Thoan| 06/03/2017 14:16

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện toàn tỉnh có 20.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ Certified, Rain Fores, tập trung nhiều ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil với khoảng 15.000 hộ tham gia.

ADQuảng cáo

Đây là kết quả của sự hợp tác, liên  kết giữa một số doanh nghiệp rang, xay cà phê trong nước như: Công ty TNHH Netslé Việt Nam, Neuman gruppe Việt Nam, Olam Việt Nam với nông dân.

Điều ghi nhận là sự liên kết của họ ngày càng bền chặt, phía nhà nông đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong quá trình tuân thủ những điều cam kết với doanh nghiệp. Kết quả này là tín hiệu mừng, động lực cho ngành chức năng, các địa phương để đẩy mạnh quá trình phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn 9, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) hiện có trên 2 ha cà phê được sản xuất theo chuẩn 4C. Vụ mùa vừa qua, gia đình chị thu về gần 8 tấn.

Theo chị Huyền thì đây là năm thứ 5 chị áp dụng việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế. Ban đầu gặp một số bỡ ngỡ, song trong quá trình áp dụng từng bước khắc phục và đến nay chị đã áp dụng thành thạo mọi kỹ thuật để vườn cà phê phát triển bền vững, ít sâu bệnh, năng suất ổn định.

Chị Huyền cho biết: “Theo chuẩn này, tôi đã chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng cà phê sạch, nhất là ở khâu phun các loại hóa chất bảo vệ thực vật phải đúng cách, đúng bệnh, thuốc phải nằm trong danh mục được sử dụng của nhà nước, không sử dụng tràn lan như trước đây. Đặc biệt, tôi đã học và biết ghi chép lại quá trình chăm sóc cây”.

Tương tự, gia đình chị  Vũ Thị Hưng ở thôn 7, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) cũng có 2 ha cà phê sản xuất theo chuẩn quốc tế từ năm 2010 đến nay. Chị Hưng cho biết: Trước đây, tôi vẫn có tâm lý thu hái đại trà, tỷ lệ quả xanh cao nhưng nay theo phương thức mới thì chỉ hái toàn bộ khi tỷ lệ quả chín đạt từ 85-90%, bao bạt phải sạch sẽ, hái về là phơi sấy chứ không ủ lâu ngày dễ gây nấm mốc để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân.

ADQuảng cáo

Vườn cà phê sản xuất theo chuẩn 4C của gia đình chị Vũ Thị Hưng, xã Hưng Bình (Đắk R'lấp) đạt năng suất khoảng 5 tấn/ha

Sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng là phương thức mà nhiều nông dân ở huyện Đắk Mil đang áp dụng. Ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã Đắk Lao là trên 1.400 ha, trong đó có 256 hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững được chia thành 5 tổ, với 356 ha, sản lượng hàng năm vào khoảng 1.250 tấn đạt chất lượng cao.

Do thấy được lợi ích thật sự cùng với hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể ở xã nên số hộ áp dụng đang tăng nhanh theo các năm. Điều này không chỉ giúp bà con tăng thu nhập mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân, trong đó quan trọng nhất là sạch hơn và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: Toàn huyện hiện có 23.000 ha cà phê trong đó 6.000 ha cà phê được nông dân hợp đồng với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Netslé Việt Nam, Neuman gruppe Việt Nam sản xuất theo các tiêu chuẩn khoa học gắn với bao tiêu sản phẩm. Diện tích này đạt mức năng suất trung bình khoảng 3,5 tấn/ha, cùng với đó là sự hỗ trợ về giá, tập huấn kỹ thuật của doanh nghiệp nên bà con ngày càng nhân rộng.

Ông Sinh cho biết thêm: Qua việc tham quan, tìm hiểu hiệu quả thực tế từ các mô hình, trong năm 2017, hàng trăm nông dân khác ở các xã như Nam Bình, Thuận Hạnh, Đắk Môl cũng đã đăng kí liên kết với doanh nghiệp để sản xuất cà phê theo hướng an toàn. Huyện cũng sẽ có những hỗ trợ thiết thực hơn cho bà con, doanh nghiệp để tạo mối liên kết các bên lâu dài trong thời gian tới .

- Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp thì những năm gần đây sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng được nhiều nông dân áp dụng. Hiện nay, toàn huyện đã có khoảng 3.000 ha cà phê của khoảng hơn 3.000 hộ sản xuất theo hướng này, con số này tăng khoảng gấp đôi so với năm 2014. Năng suất cà phê ổn định, đạt từ 3- 3,5 tấn/ha.

- Toàn huyện Đắk Mil đã có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade… với diện tích hơn 1.400 ha. Trong đó, Công ty Cà phê Đức Lập có diện tích hơn 320 ha với 150 hộ tham gia; Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng, xã Thuận An có hơn 230 ha với 110 hộ tham gia; xã Đức Mạnh có hơn 610 ha của 160 hộ tham gia...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa sản xuất cà phê theo chuẩn quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO