Kỳ vọng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Hồng Thoan| 18/03/2016 09:39

Mới đây, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Nông chính thức khởi động với những bước đi quan trọng.

ADQuảng cáo

Dự án được triển khai trong điều kiện nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu nên được ngành chức năng, các địa phương hết sức quan tâm, với nhiều kỳ vọng về hiệu quả mang lại.

Đắk Nông là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên được triển khai các hợp phần về phát triển cà phê bền vững và quản lý dự án. Nội dung của 2 hợp phần này là hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý cà phê bền vững; hỗ trợ tái canh cà phê, nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan đến cà phê.

Dự án sẽ được triển khai trên địa bàn 3 huyện, thị xã, với 11 xã tham gia gồm: Đức Minh, Thuận An, Đức Mạnh (Đắk Mil), Trường Xuân, Nâm N’Jang (Đắk Song), Đắk Ru, Nghĩa Thắng, Nhân Đạo (Đắk R’lấp), Quảng Thành, Đắk R’moan, Đắk Nia (Gia Nghĩa).

Tổng số vốn triển khai toàn bộ các hợp phần là trên 260,6 tỷ đồng. Trong năm nay, các công việc sẽ được ưu tiên đầu tư gồm: Hoàn thiện văn phòng và trang bị văn phòng của dự án; Tập huấn cho nông dân nòng cốt để hỗ trợ đào tạo các lớp học đầu bờ, đào tạo người đứng đầu các nhóm, đào tạo về tổ chức và quản lý hợp tác xã; Tập huấn đầu bờ cho nông dân về canh tác bền vững, xây dựng mô hình trình diễn...

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc ươm giống cà phê tại xã Nam Xuân (Krông Nô)

Trao đổi về việc triển khai dự án, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho rằng, thực tế nhiều năm nay, địa phương đã chú ý tới việc chuyển đổi nông nghiệp bền vững, nhưng vì những lý do khác nhau mà hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi. Hai năm gần đây, huyện đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, coi đây là “đòn bẩy” để tăng năng suất cà phê.

Đến nay, toàn huyện đã tái canh được trên 1.000 ha. Địa phương cũng đã có hàng trăm ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, với việc triển khai dự án, huyện hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sản xuất cà phê bền vững và sẽ là động lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Ông Thị nhấn mạnh: “Nhiều hợp phần nhỏ của dự án sẽ đi vào thực tiễn sản xuất cà phê. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án cần chú trọng trước tiên đến hoạt động đầu tư hoàn chỉnh các vườn ươm giống cà phê để đẩy mạnh việc tái canh. Điều này sẽ hạn chế được việc người dân mua giống không bảo đảm chất lượng, khi trồng hiệu quả không cao lại phải tái canh lần nữa”.

Cũng rất tin tưởng về hiệu quả của dự án, ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho rằng, Đắk Mil là nơi có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh và năng suất trung bình cũng luôn đạt cao, khoảng 3 tấn/ ha. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay đất đai bị xói mòn, bạc màu diễn ra khá nhiều.

Thêm vào đó, tình hình biến đổi khí hậu đang tác động khá tiêu cực đến vườn cây, với những biểu hiện như ra hoa trái mùa, nắng hạn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi dự án được triển khai, địa phương sẽ tiếp tục có được sự hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ để triển khai chương trình phát triển cà phê theo hướng bền vững.

Theo kế hoạch, huyện sẽ phải tái canh trên 7.600 ha cà phê, nhưng chỉ mới triển khai được khoảng 3.000 ha. Mặt khác, nông dân cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình “trẻ hóa” vườn cà phê như vốn, kỹ thuật, đầu ra. Khi dự án được thực hiện, hy vọng những khó khăn trên sẽ được giải quyết.

Thị xã Gia Nghĩa có 3 xã được hưởng lợi dự án với tổng diện tích cà phê khoảng 10.000 ha. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho rằng, Dự án chắc chắn sẽ mang lại cái nhìn mới cho nông dân về sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, gắn kết hài hòa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

Để đạt hiệu quả lâu dài trong điều kiện khó khăn về nguồn nước như hiện nay thì Ban quản lý dự án tỉnh cần quan tâm lựa chọn và đầu tư công nghệ tưới phù hợp, công nghệ chăm sóc, phòng bệnh, chế biến, bảo quản. Có như thế thì Đắk Nông mới “nâng tầm” được sản phẩm cà phê.

 Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 119.000 ha cà phê; trong đó  cà phê kinh doanh gần 106.000 ha. Điều đáng nói là phần lớn diện tích cà phê đều được trồng bằng các loại giống cũ, giống thực sinh nên năng suất bình quân đạt thấp, trên 2,2 tấn/ha. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh chỉ mới tái canh được khoảng 4.000 ha. Việc phát triển cà phê của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững được tỉnh xem như “luồng gió mới” thổi vào thực tế sản xuất cà phê của tỉnh.

Về vấn đề này, ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Trưởng Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông tin tưởng: Không chỉ giúp nông dân phát triển cà phê bền vững mà Dự án cũng sẽ giúp cho ngành Nông nghiệp, tỉnh có được cái nhìn toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường để phát triển cà phê một cách khoa học. Từ đây, ngành Nông nghiệp cũng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước qua các hoạt động cụ thể của dự án như đầu tư công, lập và triển khai quy hoạch phát triển ngành hàng cà phê mang tính lâu dài, sát thực tế thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu đưa lợi nhuận của nông dân trồng cà phê tăng khoảng 15 triệu đồng/ ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững, không tái canh, góp phần vào việc nâng cao tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO