Krông Nô chủ động phòng, chống hạn vụ đông xuân

Văn Tâm| 23/11/2015 10:16

Bước vào vụ đông xuân 2015 – 2016, trước tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, chính quyền và ngành chức năng của huyện Krông Nô đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hạn.

ADQuảng cáo

Theo ông Vũ Hoàng Phú, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm nay, dự kiến toàn huyện có kế hoạch gieo trồng hơn 4.215 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa hơn 1.859 ha, ngô 1.859 ha, khoai lang 255 ha, rau các loại 188 ha…

Đến nay, nông dân các địa phương trong huyện đang sẵn sàng chờ đúng lịch thời vụ là khẩn trương xuống đồng triển khai sản xuất. Một số xã như Nâm N’đir, Nam Đà, người dân đã tận dụng độ ẩm trong đất, nguồn nước tự nhiên để tranh thủ gieo trỉa ngô, khoai lang nhằm tránh tình trạng khô hạn cuối vụ.

TRANH THỦ TÍCH NƯỚC BẰNG NHIỀU BIỆN PHÁP

Theo ghi nhận của Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, từ đầu tháng 10 đến tháng 11, lượng mưa trung bình trên địa bàn huyện Krông Nô giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm khiến mực nước tại các hồ chứa, đập dâng giảm mạnh.

Công nhân Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Krông Nô đắp bao tải đất trước cửa tràn công trình thủy lợi Đắk Mâm

Ông Đỗ Tuấn Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Krông Nô cho biết: “Theo cập nhật mới nhất, hiện nay, mực nước tại các công trình hồ chứa trên địa bàn cơ bản đã tích đủ và một số vượt qua đỉnh ngưỡng tràn, giao động khoảng từ 5 – 15 cm, tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm từ 5 – 7 cm.

Riêng công trình thủy lợi Buôn Lang, xã Quảng Phú, mực nước thấp hơn ngưỡng tràn dưới 1,2 m”. Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất, Chi nhánh đã tiến hành cho triển khai đắp bao tải đất trước ngưỡng tràn tích trữ nước tại một số công trình có nguy cơ thiếu nước trong vụ này.

Tại công trình thủy lợi Đắk Mâm, khi thời tiết có dấu hiệu dứt mưa, hồ chứa không còn tích nước, Chi nhánh đã huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên phối hợp với UBND xã Nam Đà tiến hành dùng bao tải đất đắp bờ bao tích trữ nước.

Theo ông Trần Văn Hùng, cán bộ phụ trách đập Đắk Mâm thì công trình thủy lợi Đắk Mâm phục vụ tưới cho hơn 244 ha lúa và 167 ha cà phê của xã Nam Đà. Trong các ngày qua, đơn vị đã huy động tổng cộng trên 50 – 60 công lao động vận chuyển trên 300 bao tải đất để đắp trước cửa tràn của công trình. Việc ngăn bằng bao tải đất cũng phần nào giúp cho nguồn nước trong hồ không bị thất thoát nhanh và tập trung đưa nước vào ruộng để bà con tiến hành sản xuất.

Còn công trình thủy lợi Buôn R’cập, xã Nam Nung cũng phục vụ tưới cho hơn 27 ha lúa và gần 100 ha cây ngắn ngày, cây công nghiệp. Nhưng hiện mực nước tích trữ trong đập cũng rất thấp nên Chi nhánh cũng dùng bao tải đất chắn ngang trên cửa tràn để giữ nước.

ADQuảng cáo

Ngoài hai công trình trên thì trên địa bàn huyện còn có nhiều công trình như: Thủy lợi Đắk Nang, Buôn Dơng, Đắk M’hang… cũng được Công ty Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Krông Nô tiến hành gia cố bằng các phai gỗ, bao tải đất để nâng cao ngưỡng tràn, tăng khả năng tích trữ nước của các công trình.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Krông Nô, UBND các xã và nông dân cũng chủ động tổ chức triển khai nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, trám và vá khắc phục những vị trí đập chứa hư hỏng, rò rỉ nhằm chống thất thoát nước.

CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG ĐỂ NÉ TRÁNH HẠN

Trong những ngày này, trên cánh đồng xã Nâm N’đir, nông dân đã tập trung ra đồng để làm đất, xuống giống hoa màu.

Theo ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir thì vụ đông xuân này, xã có kế hoạch gieo trồng 1.337 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa là 450 ha, ngô 665 ha, còn lại là các loại cây đậu đỗ, khoai lang… Do đặc điểm đồng đất của xã phụ thuộc vào 6 trạm bơm dọc theo bờ sông Krông Nô, nếu nguồn nước gián đoạn, các trạm bơm “treo” máy thì ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Do vậy, người dân trong xã đã chủ động chuyển một phần diện tích lúa nước sang trồng ngô và sử dụng các giếng khoan trên ruộng để cung cấp nước cho ruộng ngô khi thủy điện chưa xả nước.

Gia đình ông Bùi Ngọc Ánh ở thôn Nam Tân tranh thủ trỉa ngô để tránh hạn

Bà Nguyễn Thị Mai, ở thôn Nam Thanh cho hay, do đất ruộng của gia đình bà nằm ở khu vực khó khăn về nguồn nước, chân ruộng cao nên cây lúa dễ gặp hạn cuối vụ. Vì thế, vụ này gia đình bà đã chuyển sang trồng ngô. Ngay từ đầu tháng 11, tận dụng độ ẩm trong đất còn cao, gia đình bà đã tập trung xuống giống, khi cây phát triển lá mầm cũng là lúc trạm bơm số 1 xả nước.

Còn ông Lý Văn Thương ở thôn Nam Tân cũng cho biết: Vụ đông xuân năm ngoái, do trồng lúa gặp khó khăn về nguồn nước nên gia đình tôi đã chuyển 7 sào đất ruộng sang trồng khoai lang. Nhưng vào thời điểm khoai có củ thì không đủ nước tưới nên khoai bị sùng hà tấn công, dù năng suất khá cao, nhưng bán không được giá nên bị thua lỗ nặng. Năm nay, gia đình tôi chuyển sang trồng ngô. Vì nhu cầu nước tưới cho cây ngô không nhiều như cây lúa, cây khoai lang.

Nhìn chung, trước tình hình thời tiết bất lợi, nhiều hộ có ruộng ở khu vực khó khăn về nguồn nước trên địa bàn huyện Krông Nô vụ này không trồng lúa, khoai lang nữa mà chuyển sang trồng ngô. Cây ngô cũng được xem là loại cây công nghiệp ngắn ngày của huyện, đồng thời giá cả, đầu ra khá ổn định nên bà con yên tâm mở rộng diện tích.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng hợp lý, cùng với các biện pháp tích trữ nước, điều tiết, bố trí lịch bơm nước thì ngành chức năng huyện còn khuyến cáo, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động gieo sạ sớm, đồng loạt theo đúng lịch thời vụ và chọn cây trồng ngắn ngày phù hợp với tình hình nguồn nước của cả vụ sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô chủ động phòng, chống hạn vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO