Khó kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu: Mối lo về ngành hồ tiêu bền vững

Phan Đinh| 28/08/2015 09:41

Những năm gần đây, giá hạt hồ tiêu tăng cao, đem lại lợi nhuận lớn đã khiến người dân ồ ạt trồng hồ tiêu dẫn đến nhu cầu về cây giống tăng cao. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu lại đang “ngoài tầm” của cơ quan chức năng và đây chính là mối lo ngại trong việc phát triển hồ tiêu bền vững.

ADQuảng cáo

“MA TRẬN” GIỐNG

“Nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu” đã khiến cho thị trường giống hồ tiêu trở nên bát nháo. Người trồng tiêu tìm mọi cách miễn sao có giống để trồng. Họ mua ở các xe ô tô di động bán giống tại các điểm đông dân cư, đến các cơ sở hay điểm bán cây giống và nhặt nhạnh hom rồi tự nhân giống... Nguồn cung không đủ cầu còn chất lượng thì khiến cho nông dân như lâm vào “ma trận”, không biết đâu là giống đảm bảo.

Chị Nguyễn Thị Oanh ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) chia sẻ: Năm nay, tôi trồng 1 ha hồ tiêu. Đa số cây giống tôi đặt ở một cơ sở sản xuất giống tại Đắk Song với giá tới 15.000 đồng/bầu. Tôi mua hoàn toàn cây giống ở ngoài thị trường thì khó nói là biết được chất lượng như thế nào, may - rủi là chính. Các cơ sở sản xuất đều nói là bảo đảm chất lượng nhưng tôi mua thêm hơn 100 bầu ở một cơ sở bán cây giống tại Gia Nghĩa mới trồng được gần 1 tháng đã bị chết hết. Số giống tôi mua ở Đắk Song hiện trồng và đang phát triển bình thường nhưng kết quả như thế nào thì thời gian sau mới biết được.

Còn anh Phạm Văn Thịnh ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thì cho biết: Năm nay, gia đình mua giống trồng 350 trụ tiêu của một hộ dân tại địa phương. Họ tự cắt dây lươn, dây ác về ươm rồi bán lại cho tôi. Hiện nay, vườn tiêu của gia đình có trên 200 trụ phát triển rất kém. Tôi mất nhiều công và đầu tư phân bón, chăm sóc nhưng sau hơn 2 tháng trồng, cây tiêu không cao hơn ban đầu, bị thui đọt và chỉ ra ít nhánh.

Ngoài việc mua giống trôi nổi ở trên thị trường thì nhiều hộ dân đã tự ươm giống để trồng. Anh Vũ Xuân Hoàng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) mùa mưa này trồng gần 500 trụ.

Anh Hoàng cho biết, tự cắt dây tiêu tại vườn của gia đình và xin của các hộ dân xung quanh về rồi ươm. Những vườn tiêu anh xin dây giống thấy cũng sai trái nhưng có ủ bệnh hay không thì khó mà biết được. Vì hầu như các vườn tiêu đều ít nhiều bị bệnh tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm.

Ông Bùi Ngọc Thịnh, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) thì cho biết: Dân ở đây trồng tiêu lâu năm nên chủ yếu nông dân tự chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về cách ươm giống là chính chứ cũng không được đào tạo kỹ thuật bài bản. Tôi cứ cắt dây ở trong vườn nhà và thiếu giống quá nên xin ở các vườn của nhà khác về trộn đất với phân rồi đóng bầu ươm dây vào. Hiện nay, tôi ươm gần 2 ha hồ tiêu nhưng sau 1 tháng trồng thì có nhiều cây đã bị chết mà cũng không biết nguyên nhân.

Ông Bùi Ngọc Thịnh, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) xin dây giống hồ tiêu từ các vườn khác về ươm nhưng một số đã bị chết

CƠ QUAN CHỨC NĂNG BẤT LỰC    

Do nhu cầu giống cao nên việc sản xuất giống của các cơ sở cũng không tuân thủ quy trình dẫn đến không đảm bảo kỹ thuật để cây giống phát triển tốt. Cùng với đó, người dân tự ươm giống tiêu như hiện nay thì rõ ràng cơ quan chức năng khó mà kiểm soát được chất lượng giống hồ tiêu.

Một thách thức lớn nữa đang đặt ra đó là Nhà nước cũng chưa thể phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống hồ tiêu trong việc chất lượng giống có đảm bảo hay không. Đây cũng là “lỗ hổng” mà thời gian qua, các cơ sở này lợi dụng “lách luật” bán giống.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: Về mặt quản lý chất lượng giống cây hồ tiêu thì hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể “đụng tay vào được”. Vì Nhà nước chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc nhân giống hồ tiêu. Ngoài việc người dân tự nhân giống thì đa số giống bán trên thị trường ở địa bàn tỉnh đều do các cơ sở sản xuất giống ở ngoài tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai… nhập về nhưng khó kiểm soát được chất lượng.

Lý giải về việc cơ quan Nhà nước khó kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu, ông Chương cho rằng, việc quản lý chất lượng giống cây công nghiệp và cây ăn quả được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp – PTNT về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm (Thông tư 18). Thế nhưng, đối chiếu theo quy định này thì hồ tiêu là cây không thuộc thông tư này. Bởi, Thông tư 18 quy định rõ là “về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký, công nhận, quản lý nguồn giống và sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm nằm trong phương pháp nhân giống vô  tính”, nhưng cây tiêu lại nhân giống bằng phương pháp hữu tính.

Ngoài ra, Thông tư 18 cũng quy định việc công nhận, quản lý nguồn giống với các cây trồng là phải có cây đầu dòng, vườn đầu dòng. Trong khi đó, hiện nay, nước ta vẫn chưa có một đơn vị nào được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận vườn dây giống hồ tiêu đầu dòng để phục vụ cho sản xuất giống nên việc kiểm soát chất lượng giống cây này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Không có một tiêu chuẩn chất lượng làm chuẩn cho giống cây hồ tiêu nên cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống có giấy phép hay không chứ không thể kiểm tra chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc giống cây tiêu và tịch thu, tiêu hủy như các cây trồng khác.

Từ thực tế này nên thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT và các đơn vị liên quan chưa thể ra quyết định phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống về chất lượng giống cây hồ tiêu.

RỦI RO LUÔN RÌNH RẬP

Kỹ sư Phạm Hùng Vỹ, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật - Nghiệp vụ (Sở Nông nghiệp –PTNT) cho biết, thực tế cho thấy, việc phát triển hồ tiêu một cách ồ ạt và khó kiểm soát chất lượng cây giống đã dẫn đến tình trạng nhiều năm nay nhiều diện tích xuất hiện các bệnh do các loại nấm gây ra, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm… đã gây thiệt hại lớn đối với kinh tế của người trồng.

Cách nhân giống hồ tiêu khác với các cây trồng khác cũng dễ làm gây bệnh và lây lan bệnh. Hiện nay, các cơ sở sản xuất cây giống hồ tiêu và người dân ươm giống bằng cách cắt dây lươn hoặc dây ác tại các vườn. Nếu lấy giống từ những vườn đã bị bệnh thì ngay từ ban đầu nguồn giống đã bị nhiễm bệnh và lấy đất từ vườn cũ để làm bầu ươm thì khả năng gây bệnh, nhiễm bệnh cũng rất cao.

Những năm đầu, có thể do cây tích lũy mầm bệnh chưa nhiều nên cây trồng vẫn phát triển bình thường nhưng sang năm thứ 2 và thứ 3 trở lên thì phát bệnh và dẫn đến bị chết.

Mối lo lớn nhất hiện nay của người trồng hồ tiêu và chính quyền địa phương chính là sự lây lan bệnh hại từ nguồn giống không đảm bảo chất lượng. Nâm N’Jang là xã có diện tích hồ tiêu lớn nhất không chỉ của huyện Đắk Song mà cả tỉnh, hiện đã ở mức trên 2.500 ha cũng đang lo ngại về vấn đề này.

Ông Trịnh Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang bày tỏ: Hiện nay, người dân trên địa bàn xã ồ ạt “đua nhau” trồng hồ tiêu. Đa số các hộ dân trồng trong khoảng từ 1-3 ha, có hộ trồng đến trên 10 ha đã dẫn đến thiếu giống. Người dân đa số phải mua giống từ các tỉnh khác về và chất lượng không được kiểm soát nên chính quyền địa phương đang lo nếu bệnh hại xảy ra thành dịch thì hậu quả là rất lớn. Vì Nâm N’Jang là vùng trồng tiêu trọng điểm, đa số đời sống kinh tế của người dân lệ thuộc vào cây tiêu.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện diện tích hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh đã lên đến trên 16.380 ha và đang tiếp tục tăng do trồng mới. Rõ ràng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chất lượng cây giống còn để “sót” cây hồ tiêu đã và đang dẫn đến những hậu quả khó lường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu: Mối lo về ngành hồ tiêu bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO