Khắc phục khan hiếm nhân công hái cà phê

Trần Lê| 13/11/2017 10:14

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch là nhiều hộ trồng cà phê với diện tích lớn lại đôn đáo tìm nhân công thu hái. Trong hoàn cảnh chung đó, có những hộ lại có những cách riêng để bảo đảm việc thu hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

ADQuảng cáo

Năm nay, anh Hoàng Văn Hòa, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) không còn phải chạy đôn chạy đáo tìm lao động hái 3 ha cà phê như những năm trước. Hiện anh đã thuê được 4 người có kinh nghiệm từ Quảng Ngãi về nhà hái với mức giá 200.000 đồng/người/ngày (đã bao ăn uống).

Thuê được lao động, gia đình anh Hoàng Văn Hòa, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Phú, Gia Nghĩa (bên phải) đã thu hái được 2 trên 3 ha

Theo anh Hòa, giá công cao hơn so với năm ngoái khoảng 20.000 đồng/người nhưng vẫn có thể chấp nhận được bởi mỗi năm chi phí sinh hoạt nói chung đều tăng. Mặt khác, năm nay, lao động hái cà phê có vẻ ít hơn nên nhiều người vẫn không thuê được lao động. Điều quan trọng là gia đình đã thuê được lao động đúng với yêu cầu nhằm thu hoạch kịp thời vụ.

Anh Hòa cho biết: “Hái cà phê cũng cần những lao động có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt để quá trình hái không làm ảnh hưởng lớn đến cành, lá, làm cây mất sức, ảnh hưởng đến vụ sau. Do đó, khi nắm được lao động có “tay nghề”, tôi đối đãi họ rất thỏa đáng, tiền công sòng phẳng, ăn uống đầy đủ, bố trí nơi ngủ nghỉ đàng hoàng, thậm chí năm được mùa, được giá còn có quà cho họ mang về gia đình".

ADQuảng cáo

 Còn ông Trần Hồng Nghiêm, thôn Thọ Hoàng, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) lại có một cách khác để thuê nhân công hái cà phê thông qua những người hành nghề xe thồ quen biết. Người hành nghề xe thồ thường xuyên có mặt tại các điểm nút giao thông. Khi có người từ các tỉnh, thành khác đến địa phương tìm việc thì "đội quân" này sẽ giới thiệu cho gia đình.

Theo ông Nghiêm, cách làm này giúp gia đình không phải bỏ công đến các điểm dừng đỗ của xe bus, xe khách để tìm nhân công, thậm chí tránh được trường hợp khan hiếm phải giành giật lao động. Cánh xe thồ tự thỏa thuận giá cả trên cơ sở trao đổi trước với gia đình nên ông không phải mất thời gian thương lượng trực tiếp với nhân công. Khi lao động đồng ý thì gia đình còn nhờ cánh xe thồ chở luôn vào rẫy cho mình nên rất tiện lợi.

Nông dân xã Thuận An (Đắk Mil) thu hoạch cà phê

Còn anh Nguyễn Tấn Hồng, thôn 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) và 3 hộ dân khác trong cùng khu vực rẫy thì giải quyết nhu cầu nhân công bằng việc đổi công cho nhau. Anh Hồng và các hộ bàn nhau cây nào chín trước thì chủ nhà tự hái, chỉ khi hái một lượt thì mới đổi công theo trình tự nhà nào cà phê chín nhiều hơn thì hái trước. Hái cho nhà nào thì nhà đó chịu trách nhiệm lo ăn trưa cho các lao động của hộ khác. Cách làm này rất hiệu quả vì bà con đều làm việc hết sức mình, cẩn thận, nhanh chóng. Hơn nữa tập hợp thành nhóm, anh em cùng làm, trao đổi chuyện làm ăn, cuộc sống nên thắt chặt thêm tình cảm xóm giềng.

Vụ thu hoạch cà phê năm nay, việc tìm nhân công thu hái khó khăn hơn các năm trước do lao động các tỉnh, thành khác đến địa phương ít hơn. Sự linh hoạt của người dân trong tìm kiếm, sử dụng nhân công đã chủ động được việc thu hoạch, bảo đảm chất lượng cà phê và giữ sức cho cây trồng để có năng suất trong vụ tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục khan hiếm nhân công hái cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO