Hội Phụ nữ xã Đắk Gằn sát cánh cùng hội viên

Mỹ Hằng| 31/08/2016 10:24

Hội Phụ nữ xã Đắk Gằn hiện có 1.749 hội viên tham gia sinh hoạt tại 15 chi hội. Là xã thuần nông, chị em còn gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như kiến thức sản xuất.

ADQuảng cáo

Do đó, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và nhu cầu của chị em, Hội đã tiến hành phân loại và có giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng. Trong đó, tuyên truyền thay đổi nhận thức là một trong những giải pháp đầu tiên được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, giúp chị em hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng việc phát triển kinh tế gia đình.

Bằng việc nêu gương điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, nhiều phụ nữ đã thay đổi nhận thức, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới cách thức tổ chức sản xuất. Vào các buổi họp thôn, chi hội, Hội thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách mới để chuyển tải cho chị em biết và vận dụng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ gia đình.

Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Hội tổ chức, chị H’Juôn ở bon Đắk Sra đã biết chăm sóc cây lúa nước

Song song với công tác tuyên truyền, Hội còn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao kiến thức cho chị em. Các buổi thảo luận, sinh hoạt cũng được thường xuyên tổ chức để chị em có điều kiện, cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, thay đổi tư duy làm ăn. Đặc biệt, Hội đã tăng cường khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ hội viên tiếp cận hiệu quả.

Tính đến nay, Hội đã đứng ra tín chấp, giúp 417 hội viên vay trên 10 tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư sản xuất. Nhờ đó, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả ra đời từ sự cần cù, chịu khó và nghị lực vươn lên thoát nghèo của chị em.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Hoàng Thị Huế ở bon Đắk Me, trước đây do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia sinh hoạt, được tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chị đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của mình. Năm 2009, chị mạnh dạn mua 100 con gà đồi về nuôi, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, mỗi năm từ việc bán gà thịt và gà giống thu về hơn 150 triệu đồng.

Sau nhiều năm làm ăn, nắm vững kỹ thuật, có thêm nguồn vốn vay ngân hàng, chị quyết định mở rộng sản xuất theo hướng trang trại tổng hợp. Hiện tại, gia  đình chị đã có cơ ngơi gồm 2 ha cà phê, 4 ha xoài, 1 ha tiêu…mỗi năm  thu về hơn 800 triệu đồng.

 Tương tự, chị H’Juôn ở bon Đắk Sra cũng vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của Hội. Năm 2010, sau khi được Hội phụ nữ tạo điều kiện vay ngân hàng, chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc, trồng cà phê xen tiêu. Sau 5 năm tích lũy, trả hết nợ ngân hàng, kinh tế gia đình chị ngày càng khấm khá, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Chị H’Juôn tâm sự: “Trước đây cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng nay đã có phần khởi sắc hơn rồi. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội phụ nữ, các chị em giúp ngày công lao động, cây con giống, gia đình có thêm nhiều cơ hội để vươn lên trong làm ăn, cuộc sống dần ổn định”.

Điều đáng ghi nhận là qua rà soát hàng năm, tất cả các hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, trả lãi ngân hàng đúng hạn và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên phụ nữ thoát nghèo ngày càng giảm.

Nếu như năm 2011, toàn xã có 0,79% hội viên nghèo thì đến nay giảm xuống còn 0,26%. Cùng với việc năng động phát triển kinh tế gia đình, chị em còn tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng việc đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Phụ nữ xã Đắk Gằn sát cánh cùng hội viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO