Hội nhập là xu thế tất yếu và xuyên suốt

Đức Diệu| 12/04/2016 09:08

Sau 30 năm đổi mới, tuy vẫn còn một số hạn chế cũng như thách thức song nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, mang tầm chiến lược quan trọng, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Có được kết quả đó, trước hết phải khẳng định vai trò của hội nhập như là đòn bẩy cho nền kinh tế tăng trưởng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

ADQuảng cáo

Công nhân Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) tuyển chọn hạt điều nhân xuất khẩu. Ảnh: Thanh Nga

CHỦ TRƯƠNG XUYÊN SUỐT VÀ NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG

Thực tế, qua 30 năm đổi mới cho thấy, với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, nước ta đã từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Khởi đầu đánh dấu nước ta chủ động vươn ra “biển lớn” chính là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. 

Đây là Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước,  đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác".

Đến các kỳ đại hội sau này, Đảng ta tiếp tục khẳng định hội nhập là một nội dung xuyên suốt, quan trọng để phát triển đất nước. Từ đây, tùy vào từng giai đoạn, thời kỳ mà Đảng  đã có những chủ trương để hội nhập một cách linh hoạt.

Đơn cử như Đại hội VII đã đưa ra định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế quốc tế". Tại Đại hội VIII, Đảng ta mạnh dạn đưa ra chủ trương “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội IX của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Từ hội nhập kinh tế, đến Đại hội X, Đảng ta đã bắt đầu chủ trương mở rộng nội dung, phạm vi hội nhập như “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Đến 2 kỳ đại hội sau này là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và XII, từ hội nhập kinh tế quốc tế trước đây, Đảng ta đã đưa ra chủ trương “Hội nhập quốc tế một cách toàn diện”. Đây được xem là sự phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng trên cả 3 trục chính là ngoại giao chính trị, đối ngoại và kinh tế.

Từ chủ trương chung, Đảng ta cũng đã ban hành các nghị quyết để lãnh đạo đất nước từng bước hội nhập sâu và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu WTO vào tháng 1/2007, đánh dấu sự hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới.

Với việc gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư đồng bộ, theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn, góp phần quan trọng cho việc xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó 6 FTA do ta chủ động tham gia ngoài khuôn khổ nội khối ASEAN hoặc với nước đối tác của ASEAN.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, vừa qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là Hiệp định được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các Hiệp định thế kỷ 21. Việc tham gia vào Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Đồng thời Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.

Mô hình chăn nuôi heo khép kín, tiên tiến tại HTX Đồng Tiến, thôn 7, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp). Ảnh: Thùy Dung

THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC

Trước hết phải khẳng định, với việc hội nhập ngày càng sâu rộng đã và đang từng bước mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Từ đây, hội nhập đã mang lại “luồng gió mới”, tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể như: công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ.

Quan trọng hơn, trước yêu cầu của “cuộc chơi chung” đã  đặt ra cho chúng ta một yêu cầu cấp thiết về tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều lĩnh vực kinh tế đã tập trung vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn; thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA).

Ngoài ra, hội nhập còn là động lực để chúng ta từng bước hoàn thiện thể chế nền kinh tế theo định hướng, tiếp thu thành tựu khoa học tiên tiến của các nước và tham gia các chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất trong khu vực hợp tác…

Điều đáng nói, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, ngoài việc mở ra những cơ hội cho nền kinh tế đất nước, nhiều người cũng không khỏi lo ngại sự “yếu thế” khi chúng ta tham gia “cuộc chơi” khá hấp dẫn nhưng cũng rất khắt khe về những điều khoản chung đã cam kết.

Dễ thấy nhất là với hàng loạt FTA mà Việt Nam đã ký kết sẽ từng bước dỡ bỏ các rào cản thuế quan cũng như một số hàng rào kỹ thuật thiết lập trước đây để doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Từ đây, sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ diễn ra và “phần thắng” tất nhiên thuộc về những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, chính sách kinh doanh khả thi, năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt và giá thành rẻ…

Vì vậy, để tham gia “cuộc chơi”, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung cần phải chủ động nhập cuộc với một tâm thế sẵn sàng cả về trình độ quản lý, tư duy chiến lược, đầu tư công nghệ và phát huy tốt những lợi thế so sánh mà mình đang nắm giữ.

12 FTA Việt Nam đã tham gia gồm:

WTO, TPP, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Úc-Niudilân, ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam-Chilê, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-EU, Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam-Hàn Quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập là xu thế tất yếu và xuyên suốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO