Hội nhập kinh tế quốc tế: Nông dân liên kết sản xuất để đứng vững trong “chợ quốc tế”

Thanh Nga thực hiện| 22/04/2016 09:06

Hội nhập kinh tế quốc tế được nhận định sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp của nông dân, nhất là sắp tới Việt Nam sẽ tham gia thực hiện Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Xá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Huyện Krông Nô tập hợp nông dân vào tổ hợp tác để sản xuất lúa cánh đồng mẫu Buôn Choáh theo tiêu chuẩn VietGap

PV: Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Theo ông, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất của nông dân?

Ông Nguyễn Văn Xá: Trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại khác của thế giới thì sẽ trở thành thách thức lớn với nông dân, nhưng cũng đưa lại không ít cơ hội. Bởi vì, khi tham gia vào các hiệp định này thì hàng hóa cạnh tranh công bằng chung của cả thế giới chứ không riêng gì trong nước.

Hội nhập đòi hỏi sản phẩm nông sản của nông dân làm ra phải phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng của thế giới. Thậm chí trong nước cũng vậy, sản phẩm phải vào đến các siêu thị, vào đến nơi người ta nhập khẩu thì đương nhiên phải bảo đảm các tiêu chuẩn nên đây là một thách thức rất lớn.

Đắk Nông là một tỉnh có tới 80% là nông dân. Qua khảo sát chung cho thấy so với các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, kể cả làm công nghiệp chế biến. Chủ trương của Đảng và Nhà nước có rồi nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp lại chưa có kết nối mạnh mẽ cho nên nhiều nông dân đang sản xuất bột phát.

Sản phẩm họ làm ra nhiều nhưng khi “chiếu” theo tiêu chuẩn chất lượng thì đa số không bảo đảm. Hội nhập thương mại đòi hỏi nông dân phải sản xuất đúng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu số lượng thì mới xuất khẩu được và đứng vững trên thị trường. Nếu không đạt tiêu chuẩn hội nhập, cạnh tranh thì sản phẩm nông nghiệp của nông dân phải bán với giá rất thấp và sản xuất xem như không hiệu quả kinh tế.

Thực tế hiện nay cũng đang xảy ra tình trạng sản phẩm nông sản được nông dân sản xuất ra rất nhiều nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận chất lượng, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh như hồ tiêu và cà phê. Hồ tiêu hiện nay Đắk Nông đang đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên nhưng xuất khẩu còn ít và chỉ bán trôi nổi thôi. Thách thức đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền phải thực sự quan tâm thì hàng hóa của tỉnh khi sản xuất ra mới hội nhập được.

PV: Theo ông, nông dân phải làm gì để sản phẩm nông nghiệp đứng vững trong thị trường hội nhập?

Ông Nguyễn Văn Xá: Để sản phẩm nông nghiệp đứng vững trên thị trường trong hội nhập đòi hỏi từ người nông dân đến các cấp chính quyền phải có sự đồng bộ, nếu làm rời rạc thì không ổn.

Nông dân hiện nay có tâm lý “đè nặng” là làm ăn nhỏ lẻ. Làm ăn nhỏ lẻ thì không thể bảo đảm được nhu cầu xuất hàng hóa với số lượng lớn và chất lượng cũng khó bảo đảm. Đảng, Nhà nước cực kỳ quan tâm đến người nông dân. Lâu nay, nhiều chủ trương đề ra rất lớn như xây dựng các mô hình kinh tế trong nông nghiệp, khuyến khích kinh tế hợp tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Thế nhưng, thực sự khi đi sâu vào thì mỗi ngành làm một cách rời rạc, thiếu sự thống nhất cho nên hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách không cao như mong đợi.

Liên kết là “hành trang” quan trọng để đưa sản phẩm nông sản đi vào thị trường thế giới để hội nhập sâu và bền vững. Vì vậy, người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất. Nông dân phải sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và có chuỗi sản phẩm đầu ra thường xuyên. Để làm được điều này thì nông dân phải gắn sản xuất với kinh tế hợp tác. Kinh tế hợp tác là mô hình tiên tiến của cả thế giới.

ADQuảng cáo

Nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì Nhà nước cũng không thể đầu tư được. Ví dụ, nếu sản xuất nhỏ lẻ thì Nhà nước làm sao mà đào tạo khoa học kỹ thuật cho từng nông dân được. Thế nhưng, nông dân tham gia vào nhóm đồng sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã thì Nhà nước sẽ dễ dàng đầu tư hơn về kiến thức.

Cụ thể, nông dân muốn sản xuất cà phê sạch, hồ tiêu sạch nhưng thiếu kỹ thuật thì tham gia vào kinh tế hợp tác, Nhà nước sẽ tập huấn và có chứng nhận sản phẩm để đáp ứng với tiêu chuẩn thị trường trong nước, xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có Co.opmart Đắk Nông nhưng các loại nông sản của tỉnh muốn vào siêu thị thì phải có chứng nhận bảo đảm chất lượng.

Như vậy, hội nhập đòi hỏi người nông dân phải suy nghĩ chọn cho mình một hình thức sản xuất phù hợp, đó chính là kinh tế hợp tác. Khi tham gia vào kinh tế hợp tác thì giữa Nhà nước với người nông dân mới có sự kết hợp chặt chẽ được.

Thành viên HTX Nông - Lâm nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Hợp Tiến (Đắk Glong) phát triển kinh tế từ trồng thanh long ruột đỏ

PV: Thưa ông, các cấp hội nông dân cần làm gì để giúp đỡ nông dân của mình?

Ông Nguyễn Văn Xá: Hội nhập TPP không phải là đơn giản. Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện sản xuất thì nó đang đặt ra cho nông dân, Nhà nước những khó khăn, thách thức. Người nông dân hiện nay cần dịch vụ đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cây giống nhưng quản lý đã chặt chẽ đâu.

Trong nông nghiệp muốn có sản phẩm chất lượng thì đầu vào là rất quan trọng. Nhà nước phải có 1 cơ quan thống nhất lại trong “5 nhà” gồm: Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông – nhà doanh nghiệp và nhà bank (ngân hàng) để tăng cường sự liên kết, xâu chuỗi, ổn định đầu ra cho nông nghiệp.

Hội Nông dân Đắk Nông đã có Trung tâm Dạy nghề - Hỗ trợ nông dân. Đơn vị sự nghiệp này có nhiệm vụ đào tạo cho nông dân về kỹ thuật sản xuất theo hướng “cầm tay, chỉ việc”. Hiện tại, Hội đang tư vấn, hỗ trợ nông dân thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và phấn đấu đến năm 2020, 50% nông dân phải có 1 nghề.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho Hội Nông dân làm dịch vụ để có lợi cho nông dân và phối hợp với các ngành để xây dựng mô hình kinh tế hợp tác trong nông dân. Vừa rồi, Hội đã liên kết với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank đồng ý tạo điều kiện cho nông dân tham gia kinh tế hợp tác vay vốn tín chấp. Hội cũng đã ký kết với các chợ đầu mối nhận dịch vụ đầu ra cho nông sản và khảo sát để định hình lại cây chủ lực của từng huyện, thí điểm sản xuất.

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục ký với các công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và đầu ra để thực hiện liên kết sản xuất cho hội viên. Trong năm nay, Hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và các huyện thành lập HTX mẫu để thu hút nông dân tham gia vào kinh tế hợp tác mạnh mẽ hơn.

PV: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập kinh tế quốc tế: Nông dân liên kết sản xuất để đứng vững trong “chợ quốc tế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO