Hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vẫn... lộn xộn

Ngàn Sâu| 18/08/2014 10:41

Cho dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để chấn chỉnh, nhưng hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lộn xộn, khiến cho người tiêu dùng bị thiệt thòi…

ADQuảng cáo

Từ thao túng thị trường

Trong vai người nông dân, chúng tôi đi mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại một số nơi trên các địa bàn như thị xã Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Đắk Song… và nhận thấy rằng, nhiều đại lý kinh doanh thuốc BVTV đang thao túng thị trường.

Người dân đang rất khó để mua được thuốc BVTV có chất lượng, đúng giá cả

Cụ thể, hầu hết các đại lý thuốc BVTV thường ém nhẹm các sản phẩm có chất lượng tốt và “lái” người dân mua các sản phẩm có chất lượng thấp để kiếm lời nhiều hơn. Chẳng hạn, lâu nay trên thị trường có sản phẩm thuốc BVTV nổi tiếng mang nhãn hiệu Anvil (do hãng Syngenta của Thụy Sỹ sản xuất) và được người dân tin dùng để trị lép hạt, khô vằn trên lúa, bắp.

Thế nhưng, khi hỏi mua Anvil, chủ các đại lý kinh doanh thuốc BVTV đều đưa ra các loại thuốc có tên na ná như AVTvil, Antuvil, Levil (do Trung Quốc sản xuất)… để chèo kéo khách hàng trước và nếu gặp người có hiểu biết hoặc bị từ chối thì mới đưa Anvil ra để bán. Qua tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng này là vì dù có giá bán tương đương với nhau, nhưng giá nhập vào các đại lý của những sản phẩm “ăn theo” như AVTvil, Antuvil, Levil… đều thấp hơn từ 2-3 lần so với Anvil.

Tại các đại lý kinh doanh thuốc BVTV đều có các sản phẩm thuộc diện “ăn theo” thương hiệu nổi tiếng. Cho dù có các hoạt chất giống nhau, nhưng chất lượng của những loại sản phẩm thuộc diện “ăn theo” đều kém rất xa so với sản phẩm thứ thiệt.

Cụ thể, theo kết luận của cơ quan chức năng, các loại thuốc AVTvil, Antuvil, Levil… cũng có hoạt chất giống với Anvil, nhưng chất lượng thậm chí chưa bằng 1/3 so với Anvil. Đáng chú ý, các sản phẩm “ăn theo” đều có mẫu mã, nhãn mác rất giống với các sản phẩm chất lượng tốt, nên người dân rất khó để phân biệt và dễ bị nhầm lẫn.

Trao đổi về những vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tạo, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phi (Gia Nghĩa), khẳng định: “Dù là nhà phân phối thuốc BVTV, nhưng doanh nghiệp chúng tôi cũng đang chịu nhiều sự tác động do các đại lý kinh doanh thuốc BVTV thao túng thị trường. Mặt khác, trong thời gian qua, do bị thao túng thị trường, nên nhiều sản phẩm thuốc BVTV có chất lượng tốt, có thương hiệu đều rất khó đến được với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm “ăn theo” thương hiệu, chất lượng kém lại lấn át những sản phẩm có chất lượng tốt…”.

... Cho đến loạn giá cả

Bên cạnh việc “tung hỏa mù” về sản phẩm thì thị trường bán lẻ thuốc BVTV cũng đang ở vào tình trạng loạn giá, dễ khiến cho người tiêu dùng bị lợi dụng.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Đình Đạo, trú tại thôn 1, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) phản ánh: “Theo quy định, việc kinh doanh thuốc BVTV đều phải niêm iết giá công khai hoặc in giá bán lên sản phẩm, nhưng trên thực tế, điều này chỉ được các chủ đại lý thực hiện khi có cơ quan chức năng kiển tra mà thôi. Do đó, khi mua thuốc BVTV, người dân hầu như không thể biết được giá bán đích thực của sản phẩm”.

Còn bà Lê Thị Mười, trú tại thôn 7, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cũng cho biết: “Từ việc không nắm được giá cả, nên người dân thường bị “chặt chém” khi đi mua thuốc BVTV. Mặt khác, tâm lý người dân hay cho rằng, giá càng cao thì thuốc càng chất lượng, nên rất dễ bị nhà buôn lợi dụng bằng cách bán sản phẩm chất lượng kém với giá cao”.

Cũng theo tìm hiểu, chính từ việc không công khai giá cả, nên hầu như giá các loại thuốc BVTV hiện nay đều do các chủ đại lý tự quyết định và dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi khác. Đơn cử như, cùng loại thuốc trừ sâu Amazin’S, nhưng Đại lý thuốc BVTV Huyền Như (Đắk R’lấp) lại bán cao hơn Đại lý Tuyết Tịnh (Đắk Song), 8.000 đồng. Còn Đại lý Ánh Hồng (Gia Nghĩa) lại bán thuốc trừ cỏ PESLE đắt hơn 11.000 đồng so với Đại lý Huyền Như…

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chấn chỉnh...

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc BVTV như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành chính… Chỉ tính riêng năm 2013, các cơ quan chức năng đã thực hiện tổng cộng 37 cuộc thanh tra, kiểm tra về hoạt động kinh doanh thuốc BVTV; xử lý 95 cơ sở có vi phạm trong hoạt động buôn bán thuốc BVTV. Thế nhưng, việc kinh doanh thuốc BVTV hiện nay vẫn chưa thực sự đi vào quy cũ; tình trạng chộp giật, đầu cơ, gian lận… vẫn thường xảy ra.

Tại Báo cáo số 856/SNN-TTr ngày 21/7/2014 của Sở Nông nghệp và PTNT cũng cho thấy, qua việc thanh tra 34 có sở kinh doanh thuốc BVTV tại các địa phương như Đắk R’lấp, Tuy Đức, thị xã Gia Nghĩa thì hầu hết đều xảy ra sai phạm.

Cụ thể, nhiều đại lý đã buôn bán một số loại thuốc BVTV không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; nhiều sản phẩm ghi sai nhãn, mác; không in giá bán lên sản phẩm; không niêm iết giá bán tại nơi kinh doanh…

Theo phân tích của ông Đạo, nguyên nhân của thực trạng nói trên phần lớn là do công tác quản lý hoạt động kinh doanh thuốc BVTV còn  chưa được nghiêm ngặt, trong đó có cả những “ké hở” của hành lang pháp lý. Chẳng hạn, hiện nay, điều kiện để được kinh doanh thuốc BVTV còn rất đơn giản, người dân chỉ cần bỏ ra một thời gian rất ngắn để tập huấn là được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất thuốc BVTV kém chất lượng được đặt tên theo kiểu “ăn theo” các sản phẩm có chất lượng ngày càng phổ biến. Tình trạng buôn lậu thuốc BVTV do Trung Quốc sản xuất cũng diễn ra nhiều.

Trong khi đó, phần lớn khách hàng của thị trường bán lẻ thuốc BVTV lại là nông dân, ít am hiểu về các sản phẩm, nhất là những loại sản phẩm có tên nước ngoài, nên rất dễ bị chủ các đại lý kinh doanh thuốc BVTV lợi dụng… Từ thực tế đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể chấn chỉnh được hoạt động kinh doanh thuốc BVTV.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vẫn... lộn xộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO