Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Lê Dung| 14/06/2021 08:46

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều nông sản của Đắk Nông gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do đó, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

ADQuảng cáo

Đứt gãy chuỗi liên kết tiêu thụ

Khâu vận chuyển chững lại vì dịch bệnh đã làm cho nhiều nông sản của Đắk Nông bị đứt gãy chuỗi liên kết tiêu thụ. Nhiều người dân, doanh nghiệp cũng vì thế mà gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản.

Vườn mít 10 ha của gia đình bà Chang Thị Huyền Linh, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đang vào mùa thu hoạch nhưng khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn

Vườn mít, bơ rộng 10 ha của gia đình bà Chang Thị Huyền Linh, thôn 1B, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đang vào vụ thu hoạch của năm thứ 3. Năm nay, dự kiến, gia đình bà thu khoảng 5 tấn mít thái và 1 tấn bơ.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã khiến các xe vận chuyển hàng hóa không thể lưu thông. Trái cây không xuất đi được, gia đình bà đành bỏ chín đầy vườn hoặc cho hàng xóm thu về làm thức ăn gia súc.

Bà Linh cho biết: “Năm ngoái, số mít thu bói được hơn 1 tấn. Thương lái vào tận vườn thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá mít rớt thê thảm, chỉ bằng 1/5 so với năm trước, nhưng cũng không ai tới thu mua”.

Gia đình ông Hồ Văn Nghe, thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cũng đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm củ cải trắng. Thị trường chính của sản phẩm là ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp, nên không thể vận chuyển được, khiến gia đình ông thêm lo lắng.

Ông Nghe chia sẻ: “Mỗi tháng, gia đình trồng, nhổ, tỉa gối đầu khoảng từ 10-12 ha củ cải trắng. Hầu như ngày nào, sản phẩm cũng có thu, với sản lượng 50 tấn/ha. Tuy nhiên, giờ sản lượng xuất đi thị trường chỉ được 50% so với trước. Số còn lại, gia đình phải đích thân đi tìm kiếm nguồn tiêu thụ nhỏ lẻ tại các chợ, cửa hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận”.

Dịch bệnh bùng phát khiến 50% sản lượng củ cải trắng của gia đình ông Hồ Văn Nghe, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chật vật tìm đầu ra

ADQuảng cáo

Kết nối tìm đầu ra

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời tiêu thụ nguồn nông sản, nhất là các loại trái cây tươi trong mùa dịch, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), để hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản, thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động cụ thể.

Trước tiên, ngành đã vận động, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, người dân đưa sản phẩm tới gian hàng OCOP của tỉnh để trực tiếp tham gia giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ.

Nhiều sản phẩm nông sản đang được giới thiệu và tiêu thụ tại gian hàng OCOP của tỉnh

Mới đây, đơn vị đã đề xuất Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ xúc tiến thương mại cho 32 sản phẩm nông sản có sản lượng tiêu thụ lớn của tỉnh. Qua đó góp phần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Đắk Nông trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đối với thị trường trong tỉnh, Sở Công thương đang làm việc với các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản của tỉnh nói riêng.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh sớm chủ động có những phương án đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho bà con. Đơn cử như HTX Nông nghiệp dược liệu Thịnh Phát (Đắk Glong) mới đây đã kết nối với Công ty Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tiêu thụ gần 60 tấn tiêu cho bà con xã viên với giá tốt nhất.

Ở khâu vận chuyển, Chi nhánh Bưu chính Viettel Đắk Nông đã kịp thời vào cuộc triển khai chương trình “Hỗ trợ đồng giá cước vận chuyển nông sản” cho người dân trong tỉnh, với 5.000 đồng/kg. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và hỗ trợ vận chuyển được 3,5 tấn sản phẩm trái cây các loại đi tới các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hy vọng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự chung tay vào cuộc của ngành chức năng, người dân, doanh nghiệp, lượng lớn nông sản của tỉnh sẽ sớm kết nối được đầu ra ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO