Hiệu quả việc tái canh cà phê dây bằng phương pháp ghép chồi ở Thuận An

Lê Phước| 19/04/2017 10:24

Tại vườn cà phê rộng 1 ha, ông Nguyễn Đình Nguyệt, ở thôn Thuận Thành, xã Thuận An (Đắk Mil) đã cưa 200 gốc cà phê để chuẩn bị tái canh bằng hình thức ghép chồi.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyệt, vườn cà phê này đã được trồng từ năm 1998 nên ngày càng phát triển chậm và cho năng suất bấp bênh. Vào năm 2013, ông quyết định cưa bỏ 200 cây cà phê để tái canh bằng phương pháp ghép chồi. Giống cà phê gia đình ông ghép tái canh là giống cà dây, được lựa chọn kỹ và mua từ những vườn cà phê uy tín, năng suất cao tại xã.

Chỉ 2 năm sau, 200 gốc cà phê tái canh ghép đã cho thu bói. Sang năm thứ 3, riêng diện tích cà phê mới tái canh đã cho thu hơn 0,6 tấn nhân. Trước sản lượng vượt trội từ vườn cà phê ghép, gia đình ông đã quyết định sẽ tái canh toàn bộ vườn cà phê của gia đình theo kiểu “gối đầu”, mỗi năm sẽ ghép khoảng 200 gốc.

Vườn cà phê tái canh bằng phương pháp ghép chồi cà phê dây sinh trưởng và phát triển nhanh

Theo nhiều hộ dân ở xã Thuận An, tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi ở địa phương đã mang lại nhiều ưu thế về thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao năng suất. Giống cà phê dây có ưu điểm là thân cây thấp, trái to nên quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng thuận lợi hơn.

Phần lớn các vườn ghép chồi cà phê dây đều sinh trưởng nhanh, năm thứ 2 cho thu bói và sang năm thứ 3 có thể đạt sản lượng 3 - 4 tấn/ha. Những vườn cà phê ghép bằng giống cà dây ở Thuận An cho năng suất vượt trội, cá biệt có những hộ thu hoạch từ 6 - 8 tấn/ha/vụ.

ADQuảng cáo

Trở ngại lớn nhất là những vườn cà phê dây tái canh thường cho thu hoạch muộn hơn khoảng 1 tháng so với các giống cũ. Để bảo vệ những vườn cà phê chín trong mùa thu hoạch, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở, chòi trên rẫy để phòng chống nguy cơ mất trộm. Một số khu vực như thôn Thuận Hạnh, các hộ dân đã đồng loạt ghép giống cà phê dây, đổi công để cùng chăm sóc và bảo vệ vườn cà phê cho nhau.

Toàn xã Thuận An ghép khoảng 170 ha cà phê chủ yếu bằng giống cà phê dây

Theo ông Phạm Thanh Trình, Chủ tịch Hội Nông dân Thuận An thì toàn xã có 4.370 ha cà phê với tổng sản lượng niên vụ vừa qua đạt gần 13.000 tấn. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động thay thế những vườn cà phê già cỗi bằng những giống mới. Hiện toàn xã đã ghép tái canh được khoảng 170 ha cà phê và chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp ghép chồi giống cà phê dây. Thực tế cho thấy, những vườn cà phê này sinh trưởng, phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch và năng suất cao hơn hẳn so với những giống trước đây.

Ông Trình chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo, tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi ở địa phương tỏ ra phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ sản xuất của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Sau khi được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ về kỹ thuật, người dân địa phương có thể tự làm nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Vào cuối tháng 3/2017, Sở Nông nghiệp-PTNT đã công nhận cây cà phê dây tại vườn cà phê của bà Trần Thị Kim Mỹ, ở xã Thuận An là cây đầu dòng. Cây cà phê dây tại vườn nhà bà Mỹ có nhiều ưu điểm như: năng suất cao, chống chọi sâu bệnh hoặc những bất lợi của thời tiết tốt, nhân to, cây chậm thoái hóa. Đây có thể xem là một địa chỉ lựa chọn giống tin cậy của người dân trên địa bàn Thuận An nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả việc tái canh cà phê dây bằng phương pháp ghép chồi ở Thuận An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO