Hiệu quả từ việc chăm sóc cà phê theo hướng bền vững ở Đắk R’lấp

Văn Tâm| 28/10/2019 10:00

Gia đình ông Trần Long Ẩn ở thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa trồng hơn 1,5 ha cà phê. Theo ông Ẩn, mặc dù cà phê mới bắt đầu chín bói, nhưng gia đình tự tin năng suất năm nay đạt cao.

ADQuảng cáo

Nhìn cả vườn cà phê xanh mướt, cành tán khỏe mạnh và đều tăm tắp, ông Ẩn phấn khởi bộc bạch: Hơn một năm nay, gia đình tham gia chương trình phát triển bền vững của Dự án VnSAT nên đã thay đổi nhiều về quy trình chăm sóc cây trồng. Những năm trước, khi gia đình làm theo kinh nghiệm thì vườn cà phê phát triển không đều, cho năng suất đạt thấp. Còn năm nay, nhờ áp dụng quy trình bón phân, tưới nước, phòng dịch bệnh khoa học nên năng suất chắc đạt 5 tấn/ha. Nếu so với mọi năm thì năm nay năng suất cao hơn hẳn 1 tấn/ha.

Tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững đã giúp vườn cà phê của ông Trần Long Ẩn ở thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa xanh tốt, năng suất tăng

Cũng áp dụng mô hình sản xuất cà phê bền vững, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở thôn 11, xã Đắk Wer lại tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C (Chứng nhận Tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê).

ADQuảng cáo

Nói về hiệu quả khi tham gia chương trình, ông Sáu cho biết “Qua hơn 3 năm áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, lợi nhuận gia đình tôi thu được đã cao hơn khi chưa áp dụng (tiêu chuẩn 4C-PV) trung bình từ 16 – 22 triệu đồng/ha. Lợi nhuận cao nhờ vào 3 yếu tố gồm: Việc cộng thưởng giá cà phê thêm từ 300 – 600 đồng/kg so với trước đây; năng suất tăng và chi phí vật tư đầu vào giảm nên lợi nhuận thu về đạt từ 60 – 90 triệu đồng/ha (tăng 5 – 10 triệu/ha so với trước đây-PV)”.

Ông Sáu cho biết thêm, trước thực tế giá cà phê chưa có dấu hiệu phục hồi và nếu cứ sản xuất theo cách truyền thống thì nông dân dễ bị thua lỗ. Còn khi áp dụng quy trình sản xuất bền vững thì người trồng cà phê sẽ cân đối được chi phí, giảm tối đa thiệt hại…

Trong những năm qua, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certifield… được áp dụng ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Đắk R’lấp. Khi tham gia các chương trình, dự án này, ngoài việc được hỗ trợ cây giống đạt chất lượng thì nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây… Qua thời gian áp dụng quy trình chăm sóc cà phê bền vững đã từng bước thay đổi cách thức sản xuất truyền thống của nhiều nông dân trên địa bàn huyện.

Theo ông Phạm Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk R’lấp, toàn huyện hiện có trên 19.000 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh đạt gần 17.000 ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như hỗ trợ trực tiếp nông dân, đến nay, địa phương đã có 5.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ Certified… với hàng ngàn hộ tham gia. “Việc áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, sản phẩm dễ tiếp cận thị trường và bán được cà phê với giá cao hơn”, ông Vượng cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ việc chăm sóc cà phê theo hướng bền vững ở Đắk R’lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO