Hiệu quả từ đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

Văn Tâm| 02/10/2015 09:05

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ sinh học, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh mang lại kết quả nhất định. Nhiều mô hình sau thời gian thử nghiệm đã được người dân đón nhận, áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

ADQuảng cáo

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh chủ trì, Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh lúa lai và ngô lai phù hợp với đồng bào dân tộc thiếu số huyện Krông Nô đã mang lại kết quả tích cực.

Theo ông Trịnh Văn Nam, chủ nhiệm đề tài thì sau 2 năm thực hiện, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra là chuyển giao đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng trong canh tác lúa lai, ngô lai góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Krông Nô.

Mặt khác, dự án cũng đã tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung và đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt. Cụ thể, đã chuyển giao 6 quy trình kỹ thuật canh tác lúa lai, ngô lai; tổ chức đào tạo 20 kỹ thuật viên là các cán bộ khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông; tổ chức tập huấn cho 400 lượt hộ nông dân trong và ngoài dự án…

Đối với cây ngô lai, dự án đã xây dựng được 40 ha mô hình ngô lai LVN61, năng suất bình quân đạt 8,7 tấn/ha. Lãi ròng đạt hơn 32 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 6 triệu đồng/ha/vụ so với của người dân ngoài dự án. Với cây lúa, dự án cũng đã xây dựng được 40 ha mô hình thâm canh tổng hợp cây lúa lai HYT108, năng suất lúa bình quân đạt 8,3 tấn/ha, cho lãi ròng đạt trên 26 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 6,4 triệu đồng so với cùng diện tích ngoài dự án.

Ông Y Tiêng ở buôn Ol, xã Đắk D’rô (Krông Nô) cho biết: Gia đình tôi từ nhiều năm nay vẫn trồng lúa, ngô, nhưng việc gieo trồng thường làm theo kinh nghiệm là chính. Từ khi được các bộ của tỉnh tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng thì năng suất ngô của gia đình tôi đạt trên 8 tấn/ha, cao hơn trước từ 1,5 – 2,5 tấn/ha.

Còn gia đình ông Y Luýp ở bon Đắk Krai, xã Đắk Gằn (Đắk Mil), những năm gần đây đưa vào trồng các giống cây trồng mới được áp dụng tại địa phương như giống lúa TH3-3, giống cà phê TR4… đạt năng suất cao.

ADQuảng cáo

Theo ông Y Luýp thì việc sử dụng giống lúa mới vào sản xuất kết hợp với áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật tiếp thu từ các buổi tập huấn, hội thảo đã giúp gia đình ông chủ động hơn trong quá trình sản xuất. Giống cây trồng mới có ưu thế vượt trội hơn giống địa phương về thời gian sinh trưởng, khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao… nên thu nhập của gia đình ông cũng tăng lên nhiều.

Ông Y Luýp ở bon Đắk Krai, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đưa vào gieo cấy giống lúa lai TH3-3 đạt năng suất trên 6,5 tấn/ha

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, trong những năm qua, nhiều giống cây trồng mới đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở địa phương như cây ca cao lai F1 nhập từ Malaysia hay các mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… ngày càng được mở rộng nhằm cải tạo, thay thế diện tích cà phê kém hiệu quả.

Cùng với đó là mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGap, các giống sầu riêng cơm vàng, hạt lép, bơ booth, ngô lai LVN61, lúa lai HYT108, TH3-3, lúa thuần thơm RVT được người dân mạnh dạn đưa vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, để tạo ra giống cây trồng sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao, nhiều hộ nông dân ở các huyện Đắk Song, Tuy Đức đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để tạo ra giống cây trồng đảm bảo như cà phê, tiêu, cao su, rau, hoa, khoai lang…

Cùng với việc sử dụng các giống mới có triển vọng vào sản xuất, quá trình sử dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác ngô, lúa lai và một số loại cây trồng khác đã góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản cũng được người dân quan tâm hưởng ứng. Trong đó, một số loại chế phẩm điều hòa sinh trưởng như Ethrel, V3, B9 làm tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả và tăng năng suất trên cây vải, chế phẩm Oligoglcosamin trên cây trồng ngắn ngày, chế phẩm GA3 tăng tỷ lệ đậu quả trên cây điều, sử dụng hóa chất XM5 để xử lý gỗ keo lai, keo lá tràm để làm trụ tiêu…

Có thể nói, việc tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã góp phần thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương đã được các ngành chuyên môn, người dân triển khai đúng hướng, giúp nâng cao thu nhập cho bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO