Hiệu quả dự án nâng cao chất lượng bò thịt ở Chư Jút

Bình Minh| 04/08/2015 10:17

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tại huyện Chư Jút còn giúp người dân tiếp cận phương thức chăn nuôi theo hướng bền vững.

ADQuảng cáo

Nông dân thôn 5, xã Trúc Sơn (Chư Jút) phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: Hồ Mai

ĐEM LẠI GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO

Dự án được triển khai từ năm 2009, với cách thức lai tạo là tiến hành lấy bò đực giống Brahman phối giống bò vàng địa phương. Kết thúc dự án, toàn huyện Chư Jút đã lai tạo được 4.533 con bò lai Brahman F1 và F2 có trọng lượng cao gấp đôi so với giống bò vàng địa phương, phẩm chất thịt thơm ngon.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp-PTNT thì giá trị kinh tế bò lai đã tăng gấp 2 lần so với giống bò vàng địa phương trước đây. Cụ thể, một con bò vàng địa phương 12 tháng tuổi bán được giá khoảng 10 triệu đồng, trong khi bò lai bán được trên 20 triệu đồng. Như vậy, với 4.533 con bò lai, giá trị kinh tế sẽ đạt hơn 90 tỷ đồng, cao hơn 45 tỷ đồng so với giống bò vàng địa phương. Từ đây, dự án đã góp phần tăng thu nhập, trở thành thu nhập chính của nhiều hộ chăn nuôi bò, từng bước giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Dự án đã tạo ra một thế hệ bò lai chất lượng, năng suất cao, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển nghề nuôi bò thịt tại địa phương. Trong quá trình triển khai, dự án đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò như như tiền nhàn rỗi trong dân cư, vốn tín dụng của các ngân hàng, quỹ tín dụng phát huy hiệu quả.

Thời điểm đầu triển khai dự án mới chỉ có 946 con bò nền vàng địa phương được tuyển chọn tại 479 hộ chăn nuôi, nhưng khi kết thúc dự án, đã tăng lên 2.492 con và 1.419 hộ chăn nuôi. Đến nay, người chăn nuôi đã nhận thấy được giá trị kinh tế cao từ chăn nuôi bò. Giống bò lai phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của người dân địa phương. Nhu cầu thịt bò của thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng cao đã đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.

ADQuảng cáo

Hiệu quả trong lai tạo bò đã đưa huyện Chư Jút trở thành địa phương có “thương hiệu” trên địa bàn tỉnh cung cấp bò giống, thịt bò có uy tín, chất lượng đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Đây được coi là sản phẩm hàng hóa mang tính chiến lược để khai thác thế mạnh về khí hậu, đất đai, nguồn lao động của địa phương. Đó cũng là tiền đề để đưa chăn nuôi bò thịt trở thành ngành sản xuất hàng hóa bền vững, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CHĂN NUÔI CỦA NÔNG DÂN

Thông qua 16 lớp tập huấn, đào tạo, 600 lượt học viên là người dân chăn nuôi bò đã tiếp cận được với các kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Từ chỗ người nông dân địa phương chủ yếu chăn nuôi bò theo kiểu truyền thống là thả rông đã chuyển sang chăn nuôi bán nuôi nhốt, tận dụng được nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Người dân trên địa bàn hiện đã biết áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và sản xuất. Bà con đã nắm vững cách thức thu gom, chế biến và dự trữ các phụ phẩm nông nghiệp như cỏ khô, rơm khô, thân lá ngô khô để ủ làm thức ăn lâu dài cho bò, đảm bảo chất dinh dưỡng. Vì thế, người chăn nuôi bò đã giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc vào mùa khô. Người dân hiện đã biết chủ động cho bò ăn thêm cám, thức ăn ủ trong quá trình nuôi vỗ béo, nhất là lúc chuẩn bị xuất bán. Các khâu vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho bò cũng được chú trọng.

Thông qua dự án, huyện Chư Jút cũng đã hình thành và phát triển các tổ, nhóm, câu lạc bộ chăn nuôi. Trước khi triển khai dự án, huyện chưa có tổ, nhóm, câu lạc bộ chăn nuôi nào thì nay đã có 63 nhóm nuôi bò, 6 câu lạc bộ những người thích chăn nuôi tự quản lý và trợ giúp nhau trong quá trình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế sự cạnh tranh và ép giá của tư thương.

Người dân trong thời gian qua cũng đã liên kết với Dự án cải thiện nuôi dưỡng động vật ăn cỏ của Trường Đại học Tây Nguyên thu hút 251 hộ chuyên trồng cỏ nuôi bò với diện tích hơn 37 ha trồng các giống cỏ như cỏ sả, cỏ voi, VA06, Stylo… Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi các diện tích cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò và đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả dự án nâng cao chất lượng bò thịt ở Chư Jút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO