Hệ thống camera giám sát: “Tai”, "mắt” giám sát trực tuyến

Nguyễn Lương| 12/07/2017 09:36

Để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã triển khai cài đặt hệ thống camera lưu động, giám sát trực tuyến tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.

ADQuảng cáo

Một buổi giao dịch của Phòng giao dịch NHCSXH Đắk R'lấp với người dân xã Nhân Đạo có hệ thống camera lưu động theo dõi

Gần 2 năm, kể từ khi lắp đặt hệ thống camera lưu động trong các buổi giao dịch, chất lượng hoạt động giao dịch của NHCSXH huyện Đắk Glong được cải thiện hơn nhiều. Thời gian, địa điểm, cán bộ, người dân giao dịch cụ thể đều được camera ghi lại, hạn chế tình trạng giao dịch “ảo” có thể xảy ra. Đặc biệt, mỗi một phiên giao dịch, số tiền giải ngân, thu nợ lên đến hàng tỷ đồng, trong khi địa bàn giải ngân một số xã ở xa, điều kiện an ninh, chính trị chưa thực sự bảo đảm nên hệ thống camera đã góp phần theo dõi, bảo đảm an ninh, an toàn cũng như tài sản của người dân và ngân hàng.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH Đắk Glong thì hệ thống các camera này được lắp đặt ở vị trí thuận lợi. Mỗi khi ngân hàng tổ chức giao dịch tại các xã, nhất là các xã vùng sâu như Quảng Hòa, Đắk Som, Phòng giao dịch vẫn có thể giám sát, thu nhận toàn bộ hình ảnh trong suốt thời gian làm việc của tổ giao dịch. Hình ảnh, dữ liệu, âm thanh thu được qua camera chính là “tai”, “mắt” để lãnh đạo NHCSXH kiểm soát việc chấp hành các quy định của tổ giao dịch xã.

ADQuảng cáo

Còn tại huyện Tuy Đức, với địa bàn nhiều xã ở xa trung tâm, hệ thống camera mang lại nhiều tiện ích trong công tác giám sát hoạt động giao dịch. Hằng tháng, đơn vị tổ chức 5 phiên giao dịch cố định tại xã. Chưa kể, khi nguồn vốn được cấp trên giải ngân, nhu cầu vay của người dân tăng cao, số lần giao dịch bổ sung sẽ vượt xa con số này. Mỗi tổ giao dịch lưu động có từ 3 cán bộ ngân hàng trở lên. Đến phiên giao dịch, nếu cán bộ ngân hàng này bận việc có thể đổi phiên giao dịch cho cán bộ khác (trong quy định cho phép).

Nếu như trước đây, khi gặp tình huống này, cán bộ ngân hàng sẽ tự ý trao đổi, thống nhất với nhau. Còn từ khi hệ thống camera giám sát hoạt động, tình trạng này không còn tồn tại, từ đó tạo được kỷ cương, trách nhiệm cho từng cán bộ trong công tác thực hiện giao dịch. Theo Phòng giao dịch NHCSXH Tuy Đức, phương thức này cũng đã tạo nhiều thuận lợi trong việc xử lý các sự cố đột xuất, tạo điều kiện cho người nghèo tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, sau gần 2 năm triển khai, đến nay, 71/71 điểm giao dịch các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh được trang bị camera lưu động giám sát. Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: "Trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định. Có một số địa bàn ở xa trung tâm, hệ thống đường truyền internet tại cơ sở có tốc độ chậm và không ổn định. Để khắc phục hạn chế này, Chi nhánh đã phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng xử lý, từ đó, phủ mạng đều tại các điểm, bảo đảm hệ thống camera luôn hoạt động thông suốt".

Điểm nổi bật là các camera đều được kết nối internet nên lãnh đạo Chi nhánh, các phòng giao dịch có thể theo dõi trực tuyến diễn biến của phiên giao dịch. Nhờ đó, có thể kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao hiệu quả phiên giao dịch để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống camera giám sát: “Tai”, "mắt” giám sát trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO