Giống cây hồ tiêu “cháy hàng” và bỏ ngỏ về quản lý chất lượng

Văn Tâm| 30/06/2016 10:39

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào mùa trồng các loại cây công nghiệp lâu năm. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng một số loại cây giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Khác với mọi năm, các loại cây giống như cà phê, cao su tại các cơ sở ươm với số lượng lớn và được nông dân đặt hàng ngay từ đầu vụ nhưng năm nay lại có dấu hiệu “bão hòa”. Vì đa số nông dân lựa chọn cây trồng chủ yếu vụ này là cây hồ tiêu. Bởi hồ tiêu đang được giá đã khiến nông dân đổ xô vào trồng. Việc này không chỉ làm cho cây tiêu giống trở nên khan hiếm mà còn tăng giá lên gấp nhiều lần.

Tại các huyện như Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, Chư Jút, Krông Nô… qua tìm hiểu thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh cây giống tại các cơ sở trên địa bàn thì được biết, hiện nay, giống cây tiêu gần như “cháy hàng”. Nếu như những năm trước, giống tiêu Vĩnh Linh có giá 3.500 – 5.000 đồng/bầu giống thì thời điểm này đã tăng lên 15.000 đồng/bầu, có thời điểm giá bán lên tới 25.000 đồng/bầu, nhưng nếu mua với số lượng lớn thì phải chờ hàng tuần mới có cây giống.

Nhiều hộ dân tự ươm giống hồ tiêu để bán cho các hộ dân khác mua về trồng

Anh Hoàng Văn Thể, chủ một vườn ươm tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: “Năm nay, chỉ riêng trên địa bàn 2 xã Đắk Ha và Quảng Sơn thôi, tôi đã không đủ cây giống để bán. Vì nhà nào không ít thì nhiều cũng đầu tư trồng tiêu. Tôi chỉ ươm trên một vạn cây nên chỉ trong vòng một tháng là bán hết giống”.

ADQuảng cáo

Còn ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) chia sẻ: “Hai năm nay, tôi trồng trên 2 ha hồ tiêu. Do số tiền đầu tư mua giống khá cao nên tôi rất cân nhắc trong việc chọn cơ sở cung cấp giống tiêu để mua. Vì vậy, tôi đã chọn một số vườn ươm lớn tại thị xã Gia Nghĩa và Đắk Glong để mua mỗi nơi vài ngàn bầu giống, với giá 15.000 đồng/bầu về trồng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cây giống hồ tiêu ngoài thị trường đều do các cơ sở tự ươm, nhưng không qua kiểm định, hom giống thì mua trôi nổi ở nhiều địa phương về giâm ươm nên khó biết được chất lượng như thế nào. Hiện tại, vườn tiêu của gia đình có gốc vừa trồng đã bám trụ nhưng tôi phát hiện thấy hiện tượng vàng lá, đốm lá rải rác ở một vài cây”.

Không chỉ trường hợp của ông Nguyễn Văn Thanh mà hiện nay, nhiều hộ vừa xuống giống tiêu cũng lo ngay ngáy vì không biết tiêu con mới trồng xuống tỷ lệ sống được bao nhiêu.

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số giống tiêu được trồng như giống tiêu Lộc Ninh lá trung, tiêu trâu (sinh trưởng khỏe nhưng năng suất thấp), tiêu Vĩnh Linh và một số giống tiêu Ấn Độ được nhập như: tiêu Lada Benlantoeng, tiêu Penniyur, tuy cho năng suất cao nhưng lại nhiễm bệnh hại rễ. Trong đó, giống tiêu Vĩnh Linh được trồng phổ biến và ít nhiễm bệnh hại rễ, tỏ ra khá phù hợp với địa bàn Đắk Nông. Tuy vậy, thực tế nhiều năm nay, vấn đề nghiên cứu và sản xuất giống hồ tiêu tại Đắk Nông đang bị bỏ ngỏ, chủ yếu là do người dân tự phát, tự sản xuất để cung ứng cho gia đình và nhu cầu của nông hộ trong vùng. Ngoài ra, một số hộ dân mua giống ở Đồng Nai, Bình Phước hay Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và nhập từ các cơ sở kinh doanh cây giống nơi khác về… Do đó, công tác quản lý chất lượng giống hồ tiêu hiện đang gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Mặt khác, nhiều cơ sở vì lợi nhuận đã xử lý vườn giống bằng các loại thuốc tăng trưởng, kích thích cho cây ra lá để tạo sự “bắt mắt”, thu hút người mua. Khi đưa về trồng thì cây giống chết hàng loạt do bộ rễ chưa kịp phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giống cây hồ tiêu “cháy hàng” và bỏ ngỏ về quản lý chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO