Gieo cấy muộn, nhiều diện tích lúa ở Đắk Mil đối mặt với nguy cơ khô hạn nặng

Hồng Thoan| 08/03/2016 09:37

Những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 này, cùng với việc tưới cà phê, anh Y Phương ở bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) đang tích cực tưới nước chống hạn cho hơn 2 sào lúa đông xuân. Mới xuống giống, lúa chưa kịp đẻ nhánh mà đã bị vàng lá, còn nền ruộng nứt nẻ vì thiếu nước.

ADQuảng cáo

Hỏi về thời vụ sản xuất, Y Phương cho biết: “Ăn tết xong, gia đình tôi mới đi cấy, lúc cấy thì có nước nhưng không lâu sau đó thì cạn đi nhanh quá. Sợ mất mùa nên tôi phải bơm tưới. Trước tết, gia đình tôi cũng như nhiều bà con ở đây phải hái cà không có thời gian làm lúa”.

Ruộng lúa ở bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) đã nứt nẻ vì thiếu nước

Cũng có gần 3 sào lúa, ông Y Huynh cùng bon cho biết: “Theo mọi năm thì cứ ăn Tết Nguyên đán xong, tôi mới làm lúa. Những năm trước làm thế lúa vẫn phát triển bình thường, không gặp hạn. Năm nay, mới gần một tháng sau cấy mà đã hạn rồi, lúa nhà tôi cũng đã vàng úa, chưa bén rễ. Mong cấp trên quan tâm đưa nước về cho bà con chăm sóc, bón phân chứ đà này thì đồng bào mất mùa sớm thôi”.

Không chỉ ở xã Thuận An, nông dân ở xã Long Sơn cũng gieo cấy lúa nước muộn hơn so với lịch thời vụ khoảng 1 tháng.

ADQuảng cáo

Ông Trần Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: “Xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Theo phong tục thì hầu hết bà con chỉ sản xuất sau Lễ hội Lồng Tồng. Xã cũng đã tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, các thôn vào cuộc để vận động nhân dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, tập trung nhưng xem ra bà con vẫn không khắc phục được. Hiện nay, 87 ha lúa nước chưa thiếu nước nhưng với tình trạng nắng hạn như hiện nay thì cũng không thể bảo đảm được là có đủ nước cho cả vụ hay không”.

Về vấn đề này, theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil thì từ cuối tháng 12/2015, UBND huyện đã có Văn bản số 1879 về việc chỉ đạo tập trung gieo cấy lúa nước vụ đông xuân 2015 - 2016.  Văn bản chỉ rõ đã đến thời điểm xuống giống nhưng qua theo dõi, kiểm tra thực tế người dân trên địa bàn các xã vẫn chưa tiến hành làm đất, gieo mạ để sản xuất.

Nhằm hạn chế đến mức thấp ảnh hưởng do hạn hán gây ra, huyện đã yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn gieo cấy lúa đúng lịch thời vụ, kết thúc trước ngày 25/1/2016. Chỉ đạo là như thế, nhưng thực tế, qua theo dõi thì phải đến ngày 20/2/2016, việc gieo cấy lúa trên địa bàn huyện mới kết thúc. Chính điều này đã làm tăng nguy cơ hạn hán đối với nhiều diện tích lúa nước trên địa bàn. Thống kê vụ đông xuân này, toàn huyện có khoảng 650 ha lúa nước, trong đó việc xuống giống muộn đang đẩy nhiều diện tích vào tình thế gặp khô hạn.

Ông Điệp khẳng định: “Nắng hạn ảnh hưởng đến sản xuất lúa là điều đã được thông báo trước nhưng người dân vẫn không chú ý đến. Điều đáng lo nhất là hiện nay, nhiều công trình hồ đập trên địa bàn đang bị sụt giảm nguồn nước nhanh chóng, rất có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của lúa, nhất là vào các thời điểm quan trọng như đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ bông. Nếu xảy ra việc giảm năng suất hoặc mất trắng thì huyện sẽ không thực hiện việc hỗ trợ, bà con sẽ phải chịu hoàn toàn thiệt hại”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo cấy muộn, nhiều diện tích lúa ở Đắk Mil đối mặt với nguy cơ khô hạn nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO