Giải pháp khai thác hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất

Văn Tâm| 30/01/2015 10:33

Đắk Nông có vị trí địa lý thuận lợi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thích hợp với việc phát triển ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất thì cần phải triển khai các giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu tại địa phương.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh hiện có 306.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên; khí hậu ôn hòa; mạng lưới sông suối, hồ, đập phân bố tương đối đều khắp… là điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp toàn diện.

Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để trồng hồ tiêu đã giúp người dân xã Nâm N’Jang (Đắk Song) nâng cao thu nhập trên diện tích đất sản xuất

Đến nay, toàn tỉnh đã có 117.000 ha cà phê, 11.000 ha hồ tiêu, hơn 30.000 ha cao su... hàng năm tạo ra lượng nông sản phẩm và thu nhập lớn cho địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương.

Theo Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì nguyên nhân chủ yếu tập trung vào một số vấn đề như cơ sở hạ tầng của tỉnh chưa phát triển, hạn chế về kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quy hoạch, kế hoạch thấp...

Để thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thì địa phương cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ưu tiên vùng chuyên canh đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho doanh nghiệp và nông dân... cũng cần được quan tâm đúng mức.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng tỉnh cần rà soát, điều chỉnh và quản lý quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện thâm canh thông qua việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, tập trung vào các khâu có tính quyết định như ưu tiên sử dụng giống mới, giống lai có năng suất cao chất lượng tốt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ với mục tiêu sử dụng hiệu quả đất đai.

Địa phương cũng cần tập trung các cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng nhằm tăng hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất. Tăng cường chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác trong sản xuất và thâm canh. Hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, với các hiệp hội, ngành hàng để các tổ chức này có đủ khả năng cung cấp dịch vụ và tiêu thụ nông sản cho nông dân...

Đối với ngành chăn nuôi, các địa phương cần có chính sách hợp lý, sát với thực tế nông hộ để tiếp tục triển khai, nhân rộng kết quả dự án bò lai nhằm cải tạo chất lượng đàn bò tại địa phương cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước bằng các loại thủy sản đặc trưng có giá trị kinh tế nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, riêng đối với cây cà phê, các địa phương cần phải nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ, RA… Việc thực hiện chương trình tái canh cà phê thì vấn đề quan trọng nhất là ưu tiên xây dựng các công trình tưới tiêu và sử dụng hợp lý nguồn nước ở các địa phương.

Từ đó, tỉnh sẽ khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, kết hợp sản xuất nông - lâm, nông -  lâm - ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp khai thác hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO