Giải ngân vốn vay thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn giai đoạn 2016-2020: Khó nhưng... "chắc"

Hồng Thoan| 16/01/2018 08:47

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn (Chương trình) được thực hiện trên cơ sở nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh Đắk Nông. Khác với hình thức giải ngân truyền thống, để giải ngân được vốn vay, điều kiện mà WB đưa ra là phải có khối lượng nghiệm thu, tức dựa vào kết quả đầu ra để giải ngân vốn vay.

ADQuảng cáo

Kết quả đầu ra về số 5.730 hộ đấu nối sử dụng nước trong năm 2017 không đạt

Lúng túng… chờ vốn

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn (chương trình) được triển khai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016- 2020 với 3 hợp phần gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá. Tổng vốn của cả giai đoạn là gần 201 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 184 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Với số vốn này, tỉnh hướng đến các mục tiêu chung  như: Cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững vệ sinh nông thôn; tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; tăng tỷ lệ trạm y tế, trường học có nhà tiêu và nước sạch. Cụ thể, tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 90%; 90% cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn, bon, buôn tham gia thực hiện chương trình được tập huấn; 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế có công trình nước sạch vệ sinh đạt chuẩn…

Theo Quyết định số 2386, ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh, trong năm 2017, tỉnh sẽ sử dụng tổng vốn hơn 102 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 94 tỷ và vốn đối ứng địa phương hơn 8,3 tỷ để triển khai các tiểu hợp phần thuộc cả 3 hợp phần. Theo đó, dự kiến kết quả đầu ra sẽ nâng cấp, sửa chữa 13 công trình cấp nước tập trung, xây mới 7 công trình với tổng số 5.730 hộ đấu nối. Tối thiểu có 5 xã đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã: 51 công trình vệ sinh trạm y tế, trường học được xây mới, cải tạo và 919 hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, do còn nhiều lúng túng cả trong nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình nên kết quả trong năm nay đạt thấp. Nguyên nhân chính được nêu ra là chưa có vốn hay đang chờ vốn. Đến nay, tỉnh Đắk Nông mới phân bổ nguồn vốn đối ứng với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Với số vốn khiêm tốn này, tỉnh đang nâng cấp, cải tạo, mở rộng, đầu tư mới  32 công trình cấp nước.

ADQuảng cáo

Cụ thể như huyện Chư Jút: 1 công trình; Krông Nô: 3 công trình; Tuy Đức: 2 công trình; Đắk Glong: 2 công trình… Các kết quả khác về số hộ đấu nối cấp nước đạt thấp, công trình vệ sinh trường học, trạm y tế, xã vệ sinh toàn xã chỉ mới triển khai các hoạt động bước đầu là khảo sát, thiết kế…

Linh hoạt trong triển khai

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của WB với UBND tỉnh ngày 5/12 vừa qua, đại diện một số sở, ngành, địa phương đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến những vướng mắc, khó khăn khi triển khai các hợp phần của Chương trình. Trong đó, đa phần đại biểu khẳng định sự chậm tiến độ của các phần việc đều có nguyên nhân chính về vốn.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, vốn của Chương trình đến đầu tháng 12 mới về đến tài khoản nguồn, tức mới nằm ở kho bạc địa phương là rất trễ, gây khó khăn cho phân bổ, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung. Lãnh đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp - PTNT) cũng cho rằng vốn rót về ít, muộn trong khi việc thực hiện hợp phần về các công trình cấp nước cần vốn lớn nên đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu về số hộ đấu nối cấp nước.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Vụ Trưởng Vụ Nguồn nước và nước sạch vệ sinh nông thôn (Bộ Nông nghiệp - PTNT), Phó Trưởng Ban điều phối Trung ương về Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của WB nhấn mạnh: Đội ngũ triển khai Chương trình cần thay đổi nhận thức về việc giải ngân vốn vay mà WB đưa ra trên cơ sở nắm rõ yêu cầu cốt lõi nhất. Theo đó, ngoài số vốn được ứng trước khoảng 25% thì WB chỉ giải ngân số còn lại dựa theo kết quả. Kết quả này không chỉ báo cáo mà là thực tế, đã được nghiệm thu, hoàn thành tuân thủ đúng với các điều kiện mà Chính phủ Việt Nam đưa ra. Đây là một yêu cầu khó, khắt khe hơn từ phía WB để bảo đảm rằng vốn được giải ngân sau khi có được kết quả chứ không phải dựa vào các yếu tố đầu vào, giảm thiểu những rủi ro. Còn bà  Lilian Pena, đồng chủ nhiệm Chương trình từ phía WB gợi ý tỉnh có thể linh hoạt sử dụng các nguồn vốn khác để triển khai chương trình rồi giải ngân vốn WB sau, cụ thể như chương trình nông thôn mới.

Có thể nói, việc tiếp cận vốn vay từ WB khi  thực hiện Chương trình tại tỉnh đang đặt ra cho cơ quan điều phối các cấp, các sở, ngành, địa phương liên quan trước một thách thức mới, khó hơn. Tuy nhiên, khi bảo đảm giải ngân được vốn từ WB cũng đồng nghĩa với việc tỉnh đã quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả thật sự của từng công trình, nội dung công việc cụ thể trong các hợp phần. Từ đây, Đắk Nông sẽ khắc phục được một số hạn chế trước đây trong sử dụng vốn đầu tư như chất lượng công trình kém, vận hành, quản lý không hiệu quả, đồng thời có được một đội ngũ tổ chức thực hiện các chương trình, dự án với trình độ, năng lực chuyên môn giỏi, làm việc khoa học hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn vay thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn giai đoạn 2016-2020: Khó nhưng... "chắc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO