Giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2018: Vẫn “nước đến chân… mới nhảy”

Hà An| 17/12/2018 09:38

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2018 những tháng nước rút đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc chậm được khắc phục nên nhiều khả năng giải ngân nguồn vốn năm nay không đạt kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Dự án hồ Trung tâm thị xã Gia Nghĩa hiện chỉ mới giải ngân được 1% tổng vốn đầu tư. Ảnh:  Lê Phước

Chuyển biến về tiến độ

Đến hết tháng 10, giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh mới đạt 36% nhưng đến hết tháng 11 đã đạt mức 51%. Đặc biệt, nguồn vốn ở một số chương trình đã có mức cải thiện vượt bậc.

Năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đạo chủ đầu tư đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân, tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án trên địa bàn tỉnh. Vì thế, tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch vốn tháng 11 năm 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chỉ trong tháng 11, khối lượng giải ngân vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh ước đạt 250 tỷ đồng, tăng 150% so với tháng 10. Một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân khá như: Vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia…

Cụ thể, tổng vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh là 756,381 tỷ đồng (kế hoạch vốn giao năm 2018 là 724,967 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2017 chuyển nhiệm vụ chi sang năm 2018 là 31,414 tỷ đồng). Tính đến  hết tháng 11, nguồn vốn này giải ngân đạt 581,135 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn giao năm 2018 đã giải ngân đạt 80%.

Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này trong những tháng mùa khô, thời gian qua, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát khả năng giải ngân vốn để sớm điều chỉnh kế hoạch. Qua rà soát, một số dự án đầu tư từ nguồn vốn này như: Trụ sở làm việc Sở Ngoại vụ; Đường giao thông kết nối khu vực xã Ea Pô (Cư Jút) với huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) do vướng khâu giải phóng mặt bằng, khó hoàn thành kế hoạch vốn nên UBND tỉnh đã điều chuyển vốn cho các công trình khác có nhu cầu vốn. Vì vậy, giải ngân nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2018 có nhiều khả năng đạt kế hoạch đề ra.

Tổng kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu trong năm 2018 toàn tỉnh là 545,842 tỷ đồng (kế hoạch vốn giao năm 2018 là 484, 968 tỷ đồng và kế hoạch vốn chuyển nhiệm vụ chi sang 2018 là 60, 874 tỷ đồng). Ước khối lượng giải ngân lũy kế đến hết tháng 11 đạt 374, 526 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch. Trong đó nguồn vốn giao 2018 ở chương trình này đạt 73% kế hoạch. Mặc dù tiến độ giải ngân ở nguồn vốn này vẫn ở mức thấp nhưng so với những tháng trước đã có sự cải thiện vượt bậc.

Qua rà soát cho thấy, một số dự án đầu tư từ nguồn vốn này có vướng mắc kéo dài chậm được khắc phục như đường Đắk Mâm (Krông Nô) đi đồn 7; Trụ sở làm việc Đoàn ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Đắk Nông và một số dự án mở mới chậm triển khai như: Dự án cấp bách sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, ổn định an ninh khu vực biên giới các xã Quảng Trực, Đắk Ngo (Tuy Đức); đường vào buôn Chóah…

ADQuảng cáo

Với những dự án này, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, báo cáo cụ thể để có hướng giải quyết. Tuy mới giải ngân được 55% kế hoạch song đến hết tháng 11, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cũng được đánh giá có khởi sắc về tiến độ. Bởi đây là nguồn vốn được bố trí muộn hơn nên hầu hết các địa phương sau khi được bố trí vốn đã chủ động kế hoạch, triển khai khối lượng. Dự kiến nguồn vốn này sẽ giải ngân bảo đảm kế hoạch của năm tài chính.

Năm 2018, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý là 2.444,555 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn giao năm 2018 là 2.262,748 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2017 chuyển nhiệm vụ chi sang năm 2018 là 181,767 tỷ đồng. Ước khối lượng giải ngân lũy kế đến hết 30/11 đạt 1.237, 795 tỷ đồng, đạt 51% tổng kế hoạch vốn cả năm, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhưng khó về đích

Mặc dù đã có cải thiện về tiến độ song theo đánh giá của UBND tỉnh, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2018 cũng chỉ đạt khoảng 2.112,4 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch. Thậm chí, nhiều dự án trọng điểm, có nguồn vốn lớn sau nhiều lần chỉ đạo nhưng tiến độ vẫn chậm chạp. Vì vậy, năm 2018, chỉ tiêu về giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển lại thêm một năm có nhiều nguy cơ khó về đích.

Chậm nhất hiện nay là các dự án thuộc Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và Nguồn vốn ODA. Cụ thể, trong năm 2018, Nguồn vốn trái phiếu Chính  phủ được bố trí 565,612 tỷ đồng (500 tỷ đồng vốn giao năm 2018 và 65,612 tỷ đồng vốn chuyển nhiệm vụ chi từ năm 2017 sang năm 2018), nhưng đến hết tháng 11 mới chỉ giải ngân được 52,488 tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch. Điều đáng nói, riêng vốn giao năm 2018 hiện mới chỉ giải ngân được 1%. Sở dĩ nguồn vốn này giải ngân thấp bởi phần lớn tập trung cho Dự án Hồ Gia Nghĩa (500 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa có khối lượng vì nhiều vướng mắc chậm được tháo gỡ.

Nguồn vốn ODA trong năm 2018 được bố trí 426,168 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 11 mới giải ngân được 32%. Nguồn vốn này được bố trí để triển khai các dự án: Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên Đắk Nông; chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 tỉnh Đắk Nông; xử lý chất thải y tế bệnh viện tỉnh Đắk Nông và Dự án Chương trình mở rộng quy mô nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng thế giới giai đoạn 2016-2020.

Trong số các dự án, chương trình trên, mới chỉ có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông có tiến độ giải ngân khá với 70% kế hoạch vốn, còn lại các dự án, chương trình giải ngân rất chậm. Đơn cử như tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Nông mới giải ngân được 1%; Dự án Chương trình mở rộng quy mô nước sạch nông thôn mới đạt gần 40%; Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, tỉnh Đắk Nông đạt 16% và Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 tỉnh Đắk Nông mới đạt 37% tổng vốn giao năm 2018.

Thời gian để giải ngân vốn năm 2018 như "nước đã đến chân" song với nhiều chương trình, dự án đã nêu, việc hoàn thành kế hoạch vốn là “bất khả thi”. Loại trừ vấn đề chuyển nhiệm vụ chi, điều chuyển hay kết dư ngân sách, có thể thấy việc chậm trễ trong triển khai khối lượng dự án trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Qua phân tích, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết không thuận lợi, đa phần nguyên nhân là do công tác phối, kết hợp, đôn đốc giữa chủ đầu tư, các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vẫn chưa thực sự quyết liệt. Thậm chí, nhiều chương trình, dự án đã có sự chỉ đạo ngay từ những tháng đầu năm nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn vẫn chậm được cải thiện. Tình trạng "nước đến chân mới nhảy” nếu vẫn lặp lại sẽ tạo thêm áp lực giải ngân nguồn vốn cho những năm tiếp theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2018: Vẫn “nước đến chân… mới nhảy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO