Gia Nghĩa cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hoàng Hoài| 15/03/2017 09:49

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả rõ rệt.

ADQuảng cáo

Đơn cử như anh Phan Duy Lam ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, sau thời gian trồng cà phê, thấy năng suất thấp, nên năm 2008 đã quyết định thử nghiệm trồng cam, quýt. Sau khi cải tạo vườn cà phê rộng 2 ha, anh trồng 500 cây quýt đường ghép từ Bến Tre. Sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu bói và đến năm thứ 4 trở đi, bình quân đạt từ 30-40 tấn/ha.

Thấy vườn quýt cho thu nhập khá hơn cây cà phê, từ năm 2011, anh tiếp tục cải tạo 4 ha cà phê già cỗi để trồng cam sành và quýt đường. Qua học hỏi, anh Lam bắt đầu áp dụng phương pháp cho cây ra quả trái vụ để nâng cao năng suất như không cho cây tiếp xúc với nước mưa bằng cách dùng bạt nông nghiệp hứng toàn bộ nước mưa, cho chảy theo mương dẫn xuống suối.

Vào mùa khô, anh tưới liên tục như trời mưa để vườn cây chín đồng loạt vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch. Nhờ đó, với năng suất trung bình gần 40 tấn/ha, vườn cam sành và quýt đường trái vụ mang lại cho gia đình nguồn thu gần 5 tỷ đồng.

Tương tự, vào năm 2009, chị Bùi Thị Lâm ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan cải tạo khu đất bằng phẳng trước nhà để thử nghiệm trồng rau. Ban đầu, với 2 sào đất, chị xuống giống các loại rau cải. Vụ đầu tiên, vườn rau cho năng suất vượt trội, mang lại cho gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng.

Vườn rau của gia đình chị Lâm được đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại. Ảnh: Lê Phước

Năm 2011, chị Lâm mạnh dạn mua các giống xà lách, súp lơ, su hào… từ Đà Lạt về trồng. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và đầu tư hệ thống tưới nước sạch tiên tiến, vườn rau của gia đình chị phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Hiện mỗi ngày, gia đình chị Lâm cung cấp cho thị trường khoảng 300 kg rau, ngày nhiều lên tới 500-700 kg.

ADQuảng cáo

Vào đầu năm 2017, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) đã cấp giấy chứng nhận VietGap cơ sở sản xuất rau của chị Lâm với diện tích 0,2 ha và sản lượng 50 tấn sản phẩm/năm.

Được biết, để Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy “bám rễ” vào cuộc sống, thị xã cũng có một số hoạt động hỗ trợ người dân về cơ chế, chính sách. Như khi người dân đăng ký VietGap thì cán bộ phụ trách trực tiếp xuống tới từng gia đình hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ. Khi Siêu thị Co.opmart được xây dựng thì hỗ trợ để đưa các sản phẩm của người dân vào siêu thị. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể thị xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, bền vững, trồng những giống cây, con năng suất, hiệu quả cao. Việc tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng được chú trọng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, cái khó hiện nay khi đưa hàng hóa vào siêu thị đó là qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian. Như để đưa được trứng gà vào siêu thị này thì phải mất khoảng 5 tháng. Đó là cơ quan nhà nước trực tiếp đi làm chứ nếu là hộ dân thì không biết thời gian sẽ bao lâu. Thị xã hiện cũng đang chỉ đạo Phòng Kinh tế cần có giải pháp khác để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển, trong đó chú trọng đầu ra cho sản phẩm để tạo chuỗi liên kết và truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình chuyển đổi cà phê sang trồng cam, quýt của gia đình chị Trần Thị Yến, ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) mỗi năm cho thu nhập gần 5 tỷ đồng. Ảnh: Phan Tuấn

Tại buổi làm việc với Thị ủy Gia Nghĩa mới đây, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị, thị xã cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, thị xã cần rà soát, đánh giá quy hoạch lại nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo ra chuỗi giá trị, xây dựng tiêu chuẩn, tìm kiếm thị trường... cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Yếu tố quan trọng là phải có doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm, cố gắng huy động lực lượng tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì trước mắt, thị xã cần đánh giá lại diện tích gieo trồng, xác định cây, con chủ lực và các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao đang thực hiện trên địa bàn để nhân rộng. Riêng năm 2017, thị xã cần tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chương trình đột phá, giải pháp thực hiện cụ thể như nguồn lực, vốn, con người theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO