Đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị: Còn ít ỏi về sản lượng và chủng loại

Thanh Nga| 28/04/2016 10:11

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và nhà cung cấp thì hiện nay, sản phẩm hàng hóa của tỉnh vào Siêu thị Co.opmart Đắk Nông (Gia Nghĩa) vẫn rất ít ỏi cả về sản lượng và chủng loại.

ADQuảng cáo

Đa số trái cây nội bán tại Siêu thị Co.opmart Đắk Nông chủ yếu từ các tỉnh khác nhập về

Chưa “thông” kết nối thương mại

Sau 1 năm hoạt động, thực tế cho thấy khâu kết nối thương mại chưa mang lại hiệu quả cao và có khoảng cách nên chưa gắn kết được nhà sản xuất với siêu thị.

Bà Chu Thị Bích Hạnh, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đắk Nông cho biết: “Từ khi hoạt động đến nay, siêu thị chỉ mới có 4 nhà cung cấp. Các sản phẩm của Đắk Nông chỉ có rau, củ, quả, thịt bò, thịt heo, cá, đậu phụng và hạt các loại của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng. Các nhà cung cấp hàng hóa rất nhỏ lẻ, “nhỏ giọt” và không ổn định. Nhiều lúc siêu thị có nhu cầu thì người cung cấp không có hàng”.

Cũng theo bà Hạnh thì siêu thị đã từng được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) giới thiệu và làm việc với một số hộ dân ở Chư Jút, Đắk Song để bàn về nhu cầu cung cấp hàng hóa. Trong bàn họp, đại diện siêu thị cũng đã nói rõ đối với hàng đưa vào siêu thị thì chăn nuôi bắt buộc phải có giấy vệ sinh kiểm duyệt, kiểm định an toàn thực phẩm, còn đối với hàng trồng tại địa phương cần có giấy của nhà vườn gồm chứng nhận hộ dân trồng và chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mục đích thông tin này để người dân biết và áp dụng vào sản xuất trong thời gian tới, còn thực tế sản xuất của các hộ dân chưa có giấy tờ chứng nhận chất lượng hàng hóa như VietGap hay các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, xong họp rồi họ về chứ không có liên lạc gì với siêu thị nên việc hợp tác sản xuất bất thành.

Các nhà cung cấp thì cho rằng, sức tiêu thụ hàng hóa ở siêu thị ít. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Tia Sáng là đang cung cấp 20 loại rau, củ quả cho siêu thị, trong đó chủ yếu là các loại rau ngót, rau dền, rau muống, rau cải, cà chua, dưa leo, bí xanh, bí đỏ.

ADQuảng cáo

Bà Phạm Thị Quê, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Từ khi hàng hóa vào siêu thị thì các hộ sản xuất ổn định và thuận lợi là gần địa bàn nên rau tươi, được khách hàng tin dùng. Hàng ngày, siêu thị đặt hàng và các thành viên thu hoạch và nhập theo quy trình. Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 5 hộ dân ở Gia Nghĩa sản xuất rau an toàn với tổng sản lượng từ 500 – 1.000 kg/ngày. Tuy nhiên, thực tế, hàng đưa vào siêu thị chỉ mới 40-60 kg/ngày. Số còn lại vẫn phải đưa ra bán lẫn lộn với rau không sản xuất theo một tiêu chuẩn nào”.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng cũng cho rằng: “Ngay sau khi siêu thị hoạt động, Công ty đã ký kết đưa hàng hóa vào. Tuy nhiên, sau 1 năm kinh doanh cho thấy, sức tiêu thụ ít”.

Theo thống kê của siêu thị, lượng khách hàng đến mua hàng tươi sống hàng ngày thường khoảng 300-400 lượt. Bà Hạnh lý giải: “Vì lượng hàng tiêu thụ tương đối thấp cho nên khi siêu thị đề nghị nhà cung cấp hàng hóa về giấy tờ thì người ta thấy ràng buộc, việc thanh toán cũng mang tính chất đúng theo quy định về hợp đồng nên ngại đưa hàng vào. Siêu thị có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn và cũng đã từng “kết nối” với một số trang trại trồng sầu riêng, bơ, măng cụt, xoài… nhưng chưa đạt kết quả. Ví dụ  như siêu thị có nhu cầu đặt hàng mỗi ngày vài chục ký sầu riêng thì chủ trang trại bảo rằng quá ít nên người ta không hợp đồng. Thương lái ở Sài Gòn người ta đặt hàng tấn mà không đòi hỏi giấy tờ, thanh toán tiền mặt liền, trong khi siêu thị chỉ lấy vài chục kg và đến 10 ngày sau mới thanh toán thì họ không chịu giao. Vướng là vướng ở chỗ đó”.

Siêu thị Co.opmart Đắk Nông phấn đấu năm nay đưa thêm trái cây Đắk Nông vào bán

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị.

Ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Hiện nay, hàng hóa của tỉnh vào siêu thị còn đang hạn chế, chỉ được một số sản phẩm. Sau khi UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương đã và đang rà soát các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Khi rà soát xong, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp – PTNT và các đơn vị liên quan sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và áp dụng kỹ thuật sản xuất theo các tiêu chuẩn, cấp giấy chứng nhận để đưa hàng hóa vào siêu thị”.

Bà Chu Thị Bích Hạnh, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đắk Nông cũng cho biết thêm: “Trong năm nay, siêu thị sẽ kích thích tiêu dùng và phấn đấu đưa thêm một số mặt hàng của Đắk Nông vào kinh doanh. Trước mắt, siêu thị ưu tiên cho mặt hàng rau, củ, hoa và trái cây. Thực tế nếu tổ chức sản xuất hợp lý và theo các tiêu chuẩn thì hàng hóa Đắk Nông có tiềm lực. Nếu nông sản của tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục giấy tờ và có đủ sản lượng thì Siêu thị Co.opmart Đắk Nông cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương để làm vai  trò “cầu nối” phân phối sản phẩm Đắk Nông vào các Co.opmart ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các nơi khác trong hệ thống”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị: Còn ít ỏi về sản lượng và chủng loại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO