Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng: Tiềm năng đang được nghiên cứu, khai thác

Mỹ Hằng| 11/04/2018 10:33

Để bảo tồn và khai thác, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch nhân văn và sinh thái phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề tài “Đánh giá tiềm năng và nghiên cứu phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại tỉnh Đắk Nông” do Trường Đại học Đà Lạt làm chủ nhiệm, triển khai thực hiện.

ADQuảng cáo

Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa đặc trưng của địa phương, với mục tiêu là bảo vệ môi trường. Loại hình du lịch này đề cao quyền làm chủ, chú ý phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Vì vậy, nằm ở cực Nam Tây Nguyên, Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Sự cộng cư của hơn 40 dân tộc anh em sinh sống đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc, đa vùng miền.

Trong quá trình sinh sống, đồng bào các dân tộc vẫn giữ được những nét văn hóa riêng vốn có, đó là đời sống gắn liền với công việc nương rẫy, sinh hoạt cộng đồng, nhất là sinh hoạt văn hóa gắn liền với các lễ hội truyền thống của địa phương. Một số lễ hội đặc trưng của đồng bào các dân tộc bản địa M'nông, Mạ, Ê đê như lễ sum họp cộng đồng, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần rừng, lễ cưới hỏi… vẫn được gìn giữ một cách nguyên bản. Mỗi khi có điều kiện, bà con lại xin phép chính quyền địa phương để tổ chức, phục dựng.

Đặc biệt, cồng chiêng - một kiệt tác của nhân loại đã được UNESCO công nhận và vinh danh. Sau một thời gian dài với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, tình trạng “chảy máu” cồng chiêng không còn nữa và đồng bào vẫn diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội của cộng đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 20 đội cồng chiêng và luôn tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức. Một số đội cồng chiêng còn đại diện cho tỉnh tham dự các hoạt động văn hóa ở khu vực và quốc tế. Đây được xem là một trong những nét đặc trưng, yếu tố thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng.

ADQuảng cáo

Thi ẩm thực tại Hội xuân Mậu Tuất 2018

Tỉnh cũng đang trùng tu, xây dựng các bon văn hóa du lịch điển hình như bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); bon B’tong, xã Đắk Som (Đắk Glong); bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp); bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song); buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút)… để bảo tồn không gian văn hóa phục vụ khách du lịch.

Hầu hết các bon được chọn đều mang những nét văn hóa đặc trưng của người dân bản địa và gắn liền với các khu, điểm du lịch quan trọng của tỉnh như bon N'Jriêng gắn với Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung; bon Pi Nao gắn với Nhà máy Alumin Nhân Cơ; buôn Buôr gắn với điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ...

Một số điểm đến ở thị xã Gia Nghĩa như: Vườn rau phường Nghĩa Phú; vườn cam quýt, măng cụt, cà phê, tiêu ở bon Srê Ú, xã Đắk Nia; mô hình trồng cây ăn quả ở phường Nghĩa Phú; các cơ sở đá mỹ nghệ Đăng Tuấn, Ngọc Loan, Hải An; mô hình trồng tiêu của các hộ dân ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song); các cơ sở gỗ mỹ nghệ Gia Hân, Mộc Lan ở xã Đắk Lao (Đắk Mil); Hợp tác xã mây tre đan Hồng Phúc ở xã Quảng Khê (Đắk Glong)… Ngoài ra, vẻ đẹp hùng vĩ của các ngọn thác Đ'ray Sáp, Gia Long, Liêng Nung, Đắk G'lun… cũng luôn là địa điểm thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, để quảng bá tiềm năng du lịch này, công tác tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo...cần được đẩy mạnh. Các thông tin về tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch phải được cập nhật thường xuyên trên trang web và thông tin kịp thời đến các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh, nhằm thu hút nhà đầu tư, du khách gần xa đến với Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng: Tiềm năng đang được nghiên cứu, khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO