Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt: Đã triển khai đạt được nhiều kết quả

Văn Tâm| 03/07/2015 11:12

Nhằm từng bước cải tạo đàn bò vàng địa phương, nâng cao chất lượng giống bò trên địa bàn tỉnh, những năm qua, ngành Thú y tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt và đạt được những kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Dự án này bước đầu đã góp phần lai tạo giống bò ngoại, dần nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, tổng đàn bê lai sinh sản thuộc Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt trên địa bàn tỉnh đã được 5.340 con, vượt kế hoạch tỉnh giao đến năm 2015 là 340 con bê lai. Không chỉ phấn đấu đạt về số lượng, dự án còn góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi và nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Gia đình ông Lê Thống Nhất ở thôn 3, xã Tâm Thắng (Chư Jút), trước đây chủ yếu trồng cà phê, hoa màu. Từ năm 2003 gia đình ông đã bắt đầu quan tâm thêm lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2009, với số lượng 6 con bò cái sinh sản, gia đình ông được chọn làm mô hình điểm để triển khai Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt.

Đàn bê lai mới vừa sinh sản 1-3 tháng của gia đình ông Lê Thống Nhất ở thôn 3, xã Tâm Thắng (Chư Jút).

Ông Nhất cho biết: “Khi nghe giải thích kỹ về dự án, tôi rất vui mừng và phấn khởi ký kết hợp đồng tham gia dự án ngay, đồng thời thực hiện đúng cam kết vì gia đình tôi có kinh nghiệm nuôi bò cái sinh sản nhưng trên địa bàn chưa có giống bò đực tốt”.

Kể từ khi tham gia mô hình, gia đình ông được dự án bàn giao một con bò đực giống Brahman đỏ để quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, phối giống cho đàn bò cái của gia đình và các hộ chăn nuôi khu vực lân cận.

Với kinh nghiệm sẵn có, ông Nhất đã chăm sóc, vệ sinh cho bò giống được giao theo đúng quy trình như làm chuồng cao ráo, sạch sẽ, hàng ngày dọn dẹp vệ sinh, định kỳ mỗi tuần tiêu độc khử trùng một lần… Sau 4 năm tham gia, tỷ lệ phối giống của bò đực dự án đạt kết quả cao nên 6 con bò cái của gia đình ông đã sinh sản được 24 con bê lai F1, trọng lượng bê lai sơ sinh trung bình đạt 25 kg/con, tầm vóc, ngoại hình, sinh trưởng phát triển đều vượt trội nhiều so với giống bò địa phương trước đây.

ADQuảng cáo

Ông Lê Thống Nhất cho biết, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác trên địa bàn huyện trong quá trình chăn nuôi vừa tham gia dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt của tỉnh Đắk Nông, vừa tham gia dự án cải thiện các hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ do UBND huyện Chư Jút và Trường Đại học Tây Nguyên triển khai. Qua đó, những hộ chăn nuôi được tham dự các lớp học do Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức như kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật vỗ béo bò, kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật dự trữ chế biến thức ăn cho bò, kỹ thuật ủ chua, bổ sung thức ăn tinh cho bò… Ngoài ra còn được đi tham quan ở một số mô hình nuôi bò lai tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk).

Còn ông Nguyễn Văn Triển ở thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cũng nuôi bò sinh sản, với đàn bò lên đến hơn 20 con, trong đó có hàng chục con bò cái sinh sản. Gia đình ông được giao một con bò đực giống lai Sind-Zê bu trên 75% máu Brahman đỏ.

Ông Triển cho biết: Từ khi gia đình được cấp 1 con bò đực lai Sind-Zê bu, tôi xác định đây là cơ hội để gia đình tôi phát triển chăn nuôi. Nếu trước đây, một con bê giống địa phương 1 tuổi bán chỉ được 6  - 7 triệu đồng/con thì bê lai cùng tuổi bán theo giá thịt được từ 13 – 16 triệu đồng/con. Hơn nữa, nhiều thương lái đến mua với giá cao hơn nhưng gia đình không bán, giữ lại để cán bộ thú y đến bình tuyển, bấm thẻ lai cho thụ tinh nhân tạo nhằm sinh sản ra những giống bò có tỷ lệ máu ngoại nhiều hơn, có năng suất cao hơn theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì việc lai tạo bò đực giống lai Sind- Zê bu trên 75% máu Brahman đỏ với giống bò vàng địa phương cho kết quả khá tốt, bê con sinh ra vừa thích nghi tốt với khí hậu thổ nhưỡng, đồng thời vừa tăng trưởng nhanh và đạt chất lượng thịt cao.

Trong vụ đông xuân vừa qua, các địa phương đã triển khai đúng tiến độ và vượt kế hoạch. Cụ thể, tại huyện Chư Jút, địa phương này đến nay có số lượng bê lai F1 là 1.660 con, bê lai F2 là 129 con; huyện Đắk Glong và Tuy Đức số bê lai là 944 con (dự kiến hết năm 2016 dự án kết thúc sẽ vượt kế hoạch), còn tại 5 huyện, thị xã, sau 6 tháng nhập bò đực giống về, số bò cái nền đã được phối giống là 1.651 con.

Nhìn chung, Dự án phát triển và cải tạo đàn bò tại các địa phương trong tỉnh không chỉ giúp tăng về số lượng đàn bò mà chất lượng còn có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng bò vàng địa phương vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đàn bò của tỉnh. Hy vọng trong thời gian tới, với những nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh và sự đồng tình của nông dân, việc chăn nuôi bò sẽ trở thành ngành sản xuất quan trọng của tỉnh, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt: Đã triển khai đạt được nhiều kết quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO