Dòng vốn vay cho doanh nghiệp phát triển: Nghịch lý thiếu - thừa (Kỳ 2): Cần thêm những “tiếng nói chung"

Bài, ảnh: Lương Nguyên| 11/10/2018 09:49

Mới có gần 12% số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại. Và rõ ràng để tăng doanh số cho vay với doanh nghiệp cần có thêm những “tiếng nói chung”, xích lại gần nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Có thể nói, ngoài môi trường đầu tư kinh doanh, tình trạng thiếu vốn trong hoạt động sản xuất đã, đang “kìm chân” nhiều doanh nghiệp. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có hơn 4.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 86,64%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 12,6%, còn lại là doanh nghiệp có quy mô vừa.

Khó khăn nhất mà hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận lớn doanh nghiệp, để có vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh phải vay bằng những hình thức khác. Lãi suất vay cao, chi phí sản xuất lớn, khiến nhiều doanh nghiệp nằm trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Ngân hàng thương mại khẳng định không thiếu vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Nông

Cho vay còn “nhỏ giọt”

Tại hội nghị kết nối tín dụng vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là các ngân hàng cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay. Ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phú Gia Phát (Krông Nô) phản ánh: “Hiện nay thủ tục cho vay của các ngân hàng còn quá rườm rà. Việc thẩm định, phê duyệt khoản vay kéo dài, nhiều khi làm doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Kỷ, Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Vinh (Đắk R’lấp) nêu ý kiến: “Hầu hết các doanh nghiệp khi làm ăn đều phải vay vốn ngân hàng, có trường hợp là phải vay nguồn vốn lớn trong thời gian dài. Tuy nhiên, vấn đề thẩm định giá trị tài sản thế chấp còn khá thấp so với tài sản thực của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều tài sản trên đất chưa được đưa vào danh mục tài sản thế chấp nên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn tại ngân hàng thương mại”.

Ngoài nguyên nhân trên, nhiều doanh nghiệp còn cho biết khi có các chương trình cho vay liên quan, khác với sự kỳ vọng về chủ trương, khi tiếp cận chương trình vay, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Đa số ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện nay, ngoài những điều kiện vay như đề án, phương án sản xuất khả thi, báo cáo tài chính dương, tài sản thế chấp… còn có điều khoản khác đó là “và một số điều kiện khác”. Đây chính là rào cản “mềm” khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay nếu ngân hàng thiếu “cảm tình” với chính doanh nghiệp đó.

Nhiều "rào cản" trong quá trình tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại luôn được các doanh nghiệp nêu lên tại các buổi đối thoại

Trong khi nguồn vốn là không thiếu

ADQuảng cáo

Lý giải những kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Lê Văn Cường, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Nông cho rằng: Tài sản bảo đảm không phải là điều kiện hàng đầu để ngân hàng xét cho vay, mà trước hết doanh nghiệp phải tạo được chữ tín. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải cho ngân hàng thấy được phương án quản trị kinh doanh để bảo đảm an toàn đồng vốn cho vay của ngân hàng. Bởi hiện nay, trong khi đa số doanh nghiệp không có báo cáo kiểm toán, không có số liệu minh bạch để kiểm tra nên ngân hàng rất khó cho vay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông nhận định dư địa vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Các ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng các điều kiện vay. “Tuy nhiên, thừa nhận một vấn đề khác khiến các ngân hàng hiện nay “ngại” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, đó là ở các doanh nghiệp này hiện vẫn giữ hình thức hai sổ sách kế toán. Nghĩa là báo cáo của doanh nghiệp gửi ngân hàng thì báo có lãi, nhưng báo cáo gửi cơ quan thuế lại báo lỗ. Chính điều này gây khó khăn trong việc đánh giá năng lực tài chính để ngân hàng thương mại quyết định cho vay”.

Thông qua các hội nghị kết nối tín dụng, nhiều hợp đồng tài trợ vốn cho doanh nghiệp được ký kết, nhưng số doanh nghiệp nằm trong diện này không nhiều

Cần sự chủ động từ hai phía

Có thể nói rằng, những khúc mắc liên quan phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu cả những quy định “cứng” từ phía doanh nghiệp và sự “vượt rào” giữa các ngân hàng để khơi thông dòng vốn. Để gỡ bỏ được tình trạng này, cần sự chủ động từ nhiều phía, nhất là tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng: “Dường như các tổ chức tín dụng vẫn còn rất ít các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt, thủ tục còn rườm rà nên một số doanh nghiệp khá e ngại khi tiếp cận”. Cũng theo ông Thuân, về phía các tổ chức tín dụng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới mô hình giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích nhất cho doanh nghiệp trong giao dịch với ngân hàng. Ngân hàng cần tôn trọng điều kiện, nguyên tắc tín dụng, nhưng đồng thời phải đổi mới, chuẩn hóa thủ tục vay vốn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với nỗ lực của hệ thống ngân hàng thương mại, ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng phải từng bước khắc phục hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các thông tin, minh bạch về tài chính. Đặc biệt,  doanh nghiệp phải trình được những phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm tính khả thi. Khi tất cả những vấn đề trên được giải quyết, việc doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp cận vốn từ ngân hàng sẽ không còn là vấn đề đáng ngại”.

Tại Hội nghị kết nối tín dụng năm 2018 vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Hải nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại phải thực sự có sự thông cảm, chia sẻ lẫn nhau. Các tổ chức tín dụng nên loại bỏ bớt những thủ tục hành chính không cần thiết do mình quy định mà đang là “rào cản” gây khó cho doanh nghiệp. Việc đào tạo, rèn luyện để nâng cao trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ tín dụng, nhất là cán bộ thẩm định các dự án cũng cần được các đơn vị chú trọng nhiều hơn. Ngoài trình độ thẩm định cao, đội ngũ thẩm định dự án cần có niềm tin, sự dũng cảm để đồng hành cùng doanh nghiệp. Riêng về phía doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm hướng phát triển, sản xuất, kinh doanh khả thi và hiệu quả”.

Như vậy, khó khăn, khúc mắc đã rõ, điều quan trọng hiện nay là các bên liên quan cùng quyết tâm để triển khai các giải pháp. Để giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt thông tin, cùng với hỗ trợ về vốn, các sở, ngành, địa phương cần phải góp sức trong xây dựng hệ thống thông tin thị trường, thông tin doanh nghiệp, sản phẩm. Cùng với đó, việc đôn đốc cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư cần phải được thực hiện quyết liệt, cụ thể và rõ ràng hơn.

Rõ ràng, nhiều chủ trương, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay đã có, nhưng số lượng doanh nghiệp được tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh mới có gần 520/4.400 doanh nghiệp được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, với dư nợ vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Con số này chỉ chiếm gần 13% tổng dư nợ trên toàn hệ thống. Kết quả này cho thấy nguồn vốn được “khơi thông” cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hiện vẫn còn “nhỏ giọt”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng vốn vay cho doanh nghiệp phát triển: Nghịch lý thiếu - thừa (Kỳ 2): Cần thêm những “tiếng nói chung"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO