Đồng ruộng vẫn cạn khô nước dù mới có công trình thủy lợi chống hạn hán

Phan Tuấn - Văn Tâm| 14/01/2021 18:02

Đã quá lịch thời vụ gieo sạ, xuống giống vụ đông xuân 2020-2021, nhưng hàng trăm ha đất trồng lúa ở xã Buôn Choáh vẫn đang thiếu nước trầm trọng. Nhiều người dân phản ánh, tình trạng này là do công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán mới được xây dựng...

ADQuảng cáo

Hàng trăm ha lúa "lỡ hẹn" mùa vụ

Dù đã quá thời gian gieo sạ hơn 10 ngày, nhưng nhiều diện tích đất của người dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông), vẫn chưa có nước để làm đất, gieo sạ. Người dân xã Buôn Choáh cho biết, hàng chục năm nay, việc trồng lúa ở đây ít khi xảy ra thiếu nước sản xuất. Thế nhưng, năm nay, tình trạng thiếu nước đã trở nên rất trầm trọng, dù chỉ mới đầu mùa khô.

Nghịch lý ở chỗ, vài năm qua, Nhà nước đã đầu tư hơn 140 tỷ đồng để xây dựng công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán và dẫn nước từ sông Krông Nô về phục vụ cánh đồng Buôn Choáh.

Hệ thống kênh mương phía cuối kênh khô cạn

Bà Nguyễn Thị Duyến, một hộ dân ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình bà dự kiến gieo trồng 4 ha lúa. Ngoài 1 ha nằm ngay cạnh bờ sông nên có đủ nước, còn lại 3 ha gia đình bà phải tự xoay xở nguồn nước để sản xuất.

Theo bà Duyến, mấy năm trước, hệ thống máy bơm tại trạm bơm ở sông Krông Nô dù cũ, nhưng vẫn hoạt động tốt, người dân chưa bao giờ thiếu nước. Năm nay, khi có dự án, hệ thống máy bơm được thay mới, hạ tầng kênh mương được xây dựng tốt hơn, nhưng nước lại không về được chân ruộng, hàng trăm ha đất không có lấy một giọt nước.

Còn anh Phạm Huy Thuần, ở thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh, có 10 ha lúa nước. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn ruộng của anh vẫn chưa đủ nước để xuống giống. Đứng ngồi không yên, anh Thuần phải bỏ ra gần 20 triệu đồng mua máy bơm về tự bơm nước để sản xuất.

Theo anh Thuần, không hiểu do khâu thiết kế hay thi công, nhưng khi vận hành hệ thống kênh mới xây dựng, nước không thể chảy về đồng ruộng được. Nguyên nhân là do phía đầu nguồn kênh được xây dựng thấp hơn cuối nguồn, nên nước hầu như... chảy ngược. "Năm ngoái đến thời điểm này lúa đã lên xanh tốt. Bà con hết sức thất vọng vì chậm thời vụ, đảo lộn mọi công việc”, anh Thuần phản ánh.

Những ngày qua, anh Ngô Văn Sỹ, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh, thường xuyên túc trực trạm bơm số 3 ở sông Krông Nô để bơm nước cho người dân. Anh Sỹ bức xúc cho biết: "Hai máy bơm mới vừa được lắp đặt ở trạm bơm, nhưng không thể vận hành cùng một lúc do… thiếu điện. Nhưng nếu vận hành 2 máy bơm cùng lúc, nước cũng tràn ra ngoài, vì kênh quá cạn, phía cuối dòng lại cao hơn đầu dòng”.

Do chậm lịch thời vụ, nhiều người dân phải mua máy bơm để tự bơm nước về đồng ruộng

ADQuảng cáo

Chậm trễ xử lý

Vụ đông xuân 2020-2021, xã Buôn Choáh có kế hoạch gieo trồng khoảng 600 ha lúa. Theo lịch thời vụ, đến thời điểm hiện tại, 100% diện tích lúa của xã phải được gieo sạ. Tuy nhiên, dù đã ngâm ủ giống, nhưng diện tích xuống giống mới đạt khoảng 60-70%. Hiện nay, khoảng 200 ha lúa thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho rằng, tình trạng thiếu hụt nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân đang diễn ra rất bức thiết. Tại các cánh đồng thôn Ninh Giang, Bình Giang, người dân đang phải tự dùng máy nổ để bơm nước triển khai sản xuất. Nhất là cánh đồng thôn 1, nhiều diện tích đang thiếu nước, chưa xuống giống được. Nếu trạm bơm cho cánh đồng này không khắc phục kịp thời, sản xuất vụ đông xuân của bà con sẽ không kịp lịch thời vụ.

Bơm mới được lắp đặt nhưng không thể hoạt động

Về tình trạng này, UBND huyện Krông Nô đã gửi văn bản số 11/UBND-NN báo cáo với UBND tỉnh Đắk Nông. Theo đó, nguyên nhân xảy ra thiếu nước trên đồng ruộng Buôn Choáh là do trạm bơm số 1 và số 3 không bảo đảm.

Qua kiểm tra, tại trạm bơm số 1, dù có 2 máy bơm, nhưng chỉ chạy được 1 máy, nên thiếu khoảng 40% nước. Tại trạm bơm số 3, cũng chỉ chạy được 1 máy, thiếu khoảng 50% nước.

Đến thời điểm này, khoảng 30-40% (200 ha) diện tích đất trồng lúa của người dân ở Buôn Choáh bị ảnh hưởng trầm trọng do thiếu nước. UBND huyện Krông Nô đã làm việc với các bên liên quan để tháo gỡ. Thế nhưng, sự vào cuộc của các đơn vị liên quan vẫn chưa thực sự quyết liệt, nên các khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Công trình trạm bơm số 1, số 3 và hệ thống kênh mương đều thuộc Dự án Nâng cấp công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các công trình này do Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.

Nhiều người dân hơn 10 ngày nay ra dòng kênh ngóng nước về đã tỏ ra vô vọng. Nước chảy trong kênh không đủ cung cấp cho đồng ruộng

Theo chủ đầu tư, Dự án được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào ngày 31/10/2017, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án được bố trí 166 tỷ đồng. Dự án này dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2020, nhưng sau đó được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn đến 31/5/2021. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế, Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk thi công.

Theo ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông, công trình đã được thi công đúng thiết kế. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng thiếu nước, trục trặc tại một số công trình, chủ đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra để nắm bắt tình hình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng ruộng vẫn cạn khô nước dù mới có công trình thủy lợi chống hạn hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO