Đồng bào bon Bu Ja Ráh giữ vườn cao su

Thanh Nga| 25/07/2016 10:53

Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp, nhưng thời gian qua, nhiều hộ đồng bào M’nông ở bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) vẫn hàng ngày cần mẫn, kiên nhẫn chăm sóc vườn cây của mình.

ADQuảng cáo

Đồng bào tận dụng cỏ trong vườn cao su để nuôi bò, có thêm thu nhập, vượt qua khó khăn trước mắt

Gia đình ông Điểu Thơ hiện có hơn 2 ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong 2 tháng qua, hàng ngày, gia đình ông vẫn ra vườn mở miệng, cạo mủ cao su. Mỗi ngày, ông thu được 30 kg và cứ gom lại vài ngày chở ra các đại lý bán, tính ra hàng ngày cũng có thu nhập từ 200.000-300.000 đồng. Với diện tích cao su này, những năm trước, mỗi năm gia đình thu về từ 5-6 tấn mủ.

Ông Điểu Thơ cho biết: Những năm trước, giá cao su xuống thấp, nhưng gia đình tôi và nhiều hộ khác trong bon vẫn quyết tâm bám trụ, không chặt bỏ như những nơi khác. Từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su đã có phần tăng lên, ở mức 7-8 triệu đồng/tấn, có lúc lên 15 triệu đồng/tấn, nên gia đình tôi cũng như bà con có thu nhập khá. Hầu hết các gia đình có vườn cao su hàng ngày vẫn chăm sóc vườn cây và cạo mủ. Đồng bào ở đây chủ yếu lấy công làm lãi nên với giá như hiện nay thì cũng đã có nguồn thu nhập, còn hơn chặt bỏ hoặc không thu hoạch thì rất lãng phí.

Trước đây, toàn bon có khoảng 100 ha cao su và đa số trồng từ những năm 2002-2005, nên đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong thời gian qua, cũng có một số hộ đồng bào do cuộc sống khó khăn nên đã chặt bỏ một số vườn cây cao su chuyển sang cây trồng khác để có thu nhập trước mắt. Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc vườn cao su của gia đình, với vai trò Chi hội trưởng nông dân bon, ông Điểu Thơ còn thường tuyên truyền, vận động bà con đừng chặt bỏ cao su mà nên cố gắng bám trụ, tiếp tục tổ chức chăm sóc và thu hoạch. Ông khuyên các hộ dân có thể tận dụng cỏ ở trong vườn cao su để nuôi bò tăng thêm thu nhập.

ADQuảng cáo

Nghe lời ông, nhiều hộ dân đã giữ vườn. Gia đình chị Thị Vui có 1 ha cao su chia sẻ: “Trồng cao su phải mất tới 6-7 năm mới có thu hoạch, nếu chặt bỏ đi thì tiếc cả quãng thời gian dài đầu tư tiền của, công sức, nên tôi vẫn cố gắng duy trì, tích cực chăm sóc vườn cây, với hy vọng cao su tăng giá trở lại”.

Anh Điểu Ndong có hơn 2 ha cao su cũng nói: “Dù giá mủ cao su vẫn ở mức thấp, nhưng so với những năm gần đây thì đã tăng lên đáng kể. Có thời điểm, gia đình tôi đã bán được với giá 15.000 đồng/kg mủ và đây là điều đáng mừng. Tôi hy vọng thời gian tới, giá mủ cao su tiếp tục tăng lên để có nguồn thu nhập ổn định hơn, cải thiện cuộc sống. Vì vậy, hiện gia đình tôi vẫn tập trung chăm sóc, tỉa cành, làm cỏ, bón phân để vườn cây phát triển tốt”.

Cây cao su là cây trồng lâu năm, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch mất từ 6-7 năm và chu kỳ kinh doanh kéo dài 20-30 năm. Đối với nhiều vùng quê, cao su vẫn là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh mủ cao su rớt giá thì việc không ít hộ đồng bào bon Bu Ja Ráh vẫn có ý thức giữ gìn vườn cao su, không chặt bỏ là điều đáng khuyến khích, động viên. Bởi vì, đồng bào cũng phần nào hiểu rằng, chuyện thị trường biến động, lúc tăng lúc giảm là điều thường xuyên diễn ra, nếu cứ chạy theo đó mà chặt bỏ cây trồng đã đầu tư bao nhiêu công sức, tiền của thì cuộc sống càng thêm bấp bênh, khó khăn mà thôi.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trình độ canh tác chưa cao, dẫn đến việc chăm sóc vườn cây còn có những hạn chế. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cần hướng dẫn, giúp người dân về kỹ thuật chăm sóc, giám sát tình hình bệnh hại để vườn cây phát triển tốt và nâng cao chất lượng mủ, góp phần ổn định cuộc sống về lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào bon Bu Ja Ráh giữ vườn cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO