Đội ngũ khuyến nông ở Gia Nghĩa: Đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Trần Lê| 17/11/2014 13:31

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì thị xã Gia Nghĩa hiện có 8 khuyến nông viên xã, phường và hơn 50 cộng tác viên khuyến nông của các thôn, bon, tổ dân phố.

ADQuảng cáo

Qua thời gian công tác, đội ngũ này đã và đang hoạt động ngày càng hiệu quả, trở thành “cầu nối” nhịp nhàng cho việc tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao các kiến thức khoa học, kỹ thuật đến nông dân, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng chất lượng cao.

Điển hình như anh Huỳnh Cao Nhất ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành những năm qua luôn đi đầu trong việc chuyển đổi giống cây trồng phù hợp để cho thu nhập cao nhất trên diện tích canh tác của gia đình. Không chỉ thâm canh cà phê, anh còn tận dụng diện tích ao hồ nuôi cá, đất sình trồng rau, hoa, hàng năm, nguồn lãi từ trồng trọt là hơn 200 triệu đồng.

Cụ thể, đối với gần 1 ha cà phê, anh áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý, giảm chi phí đầu tư mà cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm, vườn cà phê của gia đình cho năng suất trung bình từ 3 tấn/ha trở lên. Bên cạnh cà phê, với diện tích đất gần 1 sào ở cuối vườn, anh đã đào ao nuôi cá, luân canh các loại rau xanh, hoa, mang lại nguồn thu khá cao. Học theo cách làm của anh, nhiều hộ gia đình ở thôn Tân Tiến hiện cũng đã trồng hoa, măng tây xanh… cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.

ADQuảng cáo

Anh Huỳnh Cao Nhất (bên phải), cộng tác viên khuyến nông thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành luôn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Tương tự, chị Lê Thị Thương, ở xã Đắk R’moan cũng là một người luôn đi đầu trong việc nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Với 3 ha đất, chị đã trồng khoai lang Nhật Bản, ngô lai, nuôi 2 ao cá, hàng chục con heo, tạo thành cơ sở “đa canh, đa con”, hỗ trợ cho nhau nên có được nguồn thu nhập khá ổn định. Nhờ sự đi đầu của chị Thương cũng như cách truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện nên nhiều người dân trên địa bàn đã mạnh dạn làm theo, nâng cao thu nhập.

Theo anh Phạm Anh Dũng ở thôn Tân Bình thì học tập cách làm của chị Thương, gia đình anh cũng đã cải tạo phần đất sình gần mép hồ để trồng các loại rau. Ban đầu cũng chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình nhưng hiện nay, anh đã phát triển thành hàng hóa, với mức thu nhập trung bình 150.000 đồng/ngày. Nhờ đó, đời sống gia đình anh bớt đi nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ khuyến nông ở Gia Nghĩa: Đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO