Doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng “nhấn ga” trở lại

Lê Dung| 14/05/2020 08:43

Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là với những đơn vị xuất khẩu. Trước những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, kịp thời chuyển hướng để thích nghi với thời cuộc..

ADQuảng cáo

Tái khởi động sản xuất

Dịch bệnh kéo dài làm thiệt hại không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp). Doanh nghiệp buộc phải hoạt động cầm chừng suốt 2 tháng trời. Cho tới ngày 10/4  vừa qua, mọi hoạt động của doanh nghiệp mới chính thức trở lại bình thường. Được biết, năm 2019, mỗi ngày doanh nghiệp này sản xuất được gần 50 tấn nguyên liệu. Nhưng khi có dịch bệnh, đơn vị buộc phải giảm công suất xuống còn 20 tấn.

Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) phải tăng cả sản xuất cho kịp các đơn hàng sau thời gian thực hiện cách toàn xã hội.

Tuy vậy, quãng thời gian khó khăn vừa qua, được công ty tận dụng tốt để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Tận dụng thời gian nghỉ để chống dịch, toàn bộ máy móc, thiết bị được công ty tập trung bảo dưỡng, sửa chữa. Đến khi được hoạt động trở lại, các công việc đó cũng vừa xong. Cùng với đó, sau dịch, đơn hàng lại liên tục "bay tới" và công ty phải thực hiện sản xuất liên tục mới đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, công nhân của công ty đang phải làm tăng ca đêm để kịp cung ứng hàng hóa cho đối tác. Dự kiến đến ngày 20/5/2020 này, sẽ nâng công suất lên từ 70-100 tấn/ngày, gấp đôi so với mọi năm.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cho biết: “Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên hiện rất “có tiếng” trên thị trường thế giới. Nhờ đó, giá của sản phẩm hạt điều xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng dần lên so với trước. Các đối tác lại càng thêm tin tưởng vào các đơn hàng từ phía mình hơn. Tôi nhận thấy rằng, việc không ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội đối với các doanh nghiệp được xem là quyết sách đúng đắn nhất của Chính phủ. Từ đó đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, đáp ứng kịp thời yêu cầu về các đơn hàng cho đối tác.

Tương tự, Công ty TNHH Điều Đại Thành, thôn 10, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) mới “chân ướt, chân ráo” tham gia thị trường xuất khẩu trực tiếp được hơn một năm nay. Phần lớn các thị trường tiêu thụ đều hoàn toàn mới đối với doanh nghiệp. Mọi năm, doanh nghiệp dự trữ khoảng 150.000 tấn nguyên liệu. Thời điểm xảy ra dịch bệnh, đơn vị đã phải giảm xuống còn 20.000 tấn. Doanh nghiệp không dám dự trữ nhiều nguyên liệu đầu vào do giá sản phẩm đầu ra giảm sâu so với đầu vụ từ 10-15%. Dịch bệnh bất ngờ bùng phát đã làm doanh nghiệp phải cầm chừng sản xuất gần 2 tháng liên tiếp. Phải sang đầu tháng 4 vừa rồi, việc sản xuất mới được khởi động lại.

Công ty TNHH Điều Đại Thành (Đắk R'lấp) nâng công suất lên 800 tấn/tháng

Ông Tạ Văn Truyền, Giám đốc Công ty cho biết: "Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp chủ yếu vẫn là Mỹ, các nước châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản, Thái Lan. Hiện tại, một số vùng dịch của các nước được kiểm soát nên họ đã bắt đầu mở cửa trở lại để nhập hàng. Một số vùng đang bị phong tỏa thì khách hàng xin giao nhận trễ khoảng 1 tháng. Doanh nghiệp cũng tăng công suất chế biến lên 800 tấn/tháng, để kịp thời đáp ứng các đơn hàng cho đối tác. Qua dịch bệnh, công ty nhận thấy, vấn đề kiểm soát chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra phải được thực hiện nghiêm ngặt, tránh rủi ro cho các đơn hàng xuất khẩu và cũng để giá trị sản phẩm nông sản không bị ảnh hưởng khi thị trường có biến động”.

ADQuảng cáo

Đa đạng các hình thức vận chuyển hàng hóa

Dịch bệnh xảy ra, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động, nhưng ở mức độ cầm chừng để trả các đơn hàng cũ. Khó khăn lớn nhất trong thời gian này đó chính là khâu thông quan diễn ra chậm, vì phải thực hiện thêm nhiệm vụ kiểm soát dịch, nhất là tại các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hiện tại, hoạt động xuất, nhập khẩu và giao nhận hàng hóa tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang dần được khôi phục. Tuy nhiên, năng lực thông quan vẫn chưa cải thiện được nhiều do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả hai nước vẫn còn thiếu. Mặc dù vậy, lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực biên giới phía Bắc nhiều, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa.

Các đơn hàng được doanh nghiệp chú trọng từ bao bì cho tới chất lượng để tránh rủi ro về giá trị khi xuất khẩu

Trước tình hình đó, để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Sở Công thương khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Doanh nghiệp cũng cần chấp hành việc thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước bạn theo hình thức chính ngạch. Người dân, doanh nghiệp không nên đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tự do, không rõ đối tượng mua hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng sản xuất, cơ sở đóng gói, ghi nhãn mác… doanh nghiệp phải luôn tuân thủ tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã ký kết và tạo thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới.

Theo Sở Công thương, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 117 triệu USD, bằng kim ngạch xuất khẩu tháng 3 và tăng 44,98% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông đạt 374 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cà phê giảm 12,09% so với cùng kỳ năm trước; hạt điều nhân tăng 123,33%; tiêu đen giảm 78,57%; đậu phộng, đậu nành sấy tăng 25%; sản phẩm alumin giảm 24,81%; ván MDF tăng 150%; các sản phẩm khác tăng 177%...

Trung tuần tháng 2 vừa qua, ngành Đường sắt Việt Nam đã chính thức khai thác chuyến tàu Container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển các mặt hàng nông, thủy sản chạy thẳng từ ga Đồng Đăng (Việt Nam) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Hoạt động vận chuyển sẽ không phải thực hiện chuyển tải như trước, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và việc khai báo, làm thủ tục kiểm dịch. Hoạt động thông quan cũng vì thế được triển khai nhanh chóng và thuận tiện hơn. Hình thức xuất khẩu bằng tàu Container lạnh liên vận quốc tế cũng sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp.

Sở Công thương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên nắm tình hình, xem xét ưu tiên sử dụng hình thức vận chuyển bằng tàu Container lạnh liên vận quốc tế; đồng thời, thực hiện tốt công tác đa dạng hóa hình thức vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng “nhấn ga” trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO