Doanh nghiệp tích cực tham gia hỗ trợ các nhóm đồng sở thích

Lê Dung| 22/12/2014 09:54

Kết nối doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp với các nhóm đồng sở thích về hồ tiêu, khoai lang, cà phê được xem là một trong những hoạt động hỗ trợ thiết thực nằm trong chuỗi các tiểu hợp phần của Dự án 3EM. Sau một thời gian triển khai, hoạt động này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong vùng dự án.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư) thì qua một thời gian thực hiện kết nối giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp với các nhóm cùng sở thích của Dự án 3EM, về cơ bản rất thuận lợi.

Việc kết nối không chỉ giúp người dân được an tâm hơn khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng mà còn đảm bảo được đầu ra cũng như giá cả cho mặt hàng nông sản. Trong quá trình hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân cũng đã được nâng cao nhận thức nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, quy trình sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường…

Qua thực tế triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 4 doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng kinh tế với các nhóm đồng sở thích và có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể. Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Tia Sáng (HTX Tia Sáng) (Gia Nghĩa) được xem là đơn vị thực hiện hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất với nhóm đồng sở thích khoai lang ở bon N’Tinh, xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Theo bà Phạm Thị Hương Quê, Giám đốc HTX Tia Sáng cho biết: “Hiện tại, HTX đã cung ứng cho nhóm khoai lang được khoảng 94.000 cây giống F1 và cung ứng giống F2 cho 3 đợt trồng, với diện tích gần 30 ha (50.000 dây/ha). Ngoài ra, đơn vị cũng đã cung cấp cho nhóm 25 tấn phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất.

Để thực hiện liên kết trên, HTX cũng đang triển khai hoạt động hỗ trợ nhóm trong việc thực hiện sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn VietGap; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ về việc cung ứng phân bón như Công ty Cổ phần phân bón Phú Thịnh, Công ty Thuốc bảo vệ thực vật Agriking…”..

Hoạt động này bước đầu cũng đã định hình được việc sản xuất theo chuỗi và tạo sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường… Còn trường hợp của Công ty TNHH MTV Hoan Mừng và các nhóm đồng sở thích ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) cũng vậy, qua thời gian ngắn kết nối, doanh nghiệp đã cung cấp cho 15/18 hộ trong nhóm cùng sở thích cà phê ở thôn 11 với khoảng từ 30-35 triệu đồng tiền phân/hộ.

ADQuảng cáo

Trong đó, các nhóm có khoảng 15% số hộ có điều kiện kinh tế trả tiền trước, còn lại khoảng 85% số hộ thanh toán sau khi thu hoạch cà phê, với lãi suất là 1,3%/năm. Doanh nghiệp cũng đã bố trí xe chở phân xuống tận nơi cho bà con mà không tính thêm cước phí.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã thực hiện tư vấn trực tiếp cho bà con về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chăm sóc cây trồng và bón phân… Việc thu mua cà phê cũng đã được doanh nghiệp đi xuống tận vườn, không để người dân phải vất vả vận chuyển...

Đối với Công ty TNHH cà phê Minh Nhất Vina và các nhóm đồng sở thích trồng cà phê, hồ tiêu tại huyện Đắk Song cũng vậy, hiện tại, doanh nghiệp đã thực hiện cung cấp 24 tấn phân bón các loại, 260 lít phân bón lá và phân bón khác; đồng thời, bao tiêu sản phẩm cho 4 nhóm đồng sở thích tại các xã Đắk Môl và Trường Xuân. Hoạt động này cũng đã góp phần tích cực trong việc cổ vũ, khích lệ tinh thần sản xuất, kinh doanh cho bà con trong vùng…

Theo ông Lê Văn Một, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thì ngoài những kết quả đạt được, trong quá trình kết nối doanh nghiệp với các nhóm vẫn còn gặp phải một số hạn chế như việc thực hiện hợp đồng kinh tế của một số nhóm chưa sát với các điều khoản đã ký kết; nhiều người dân còn trông chờ vào nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh do chưa hiểu rõ việc hỗ trợ của dự án, dẫn đến đầu tư chậm thời vụ…

Vì vậy, trong thời gian tới, để việc kết nối được thuận lợi hơn nữa, vai trò của các nhóm trưởng sẽ được các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao. Trung tâm cũng đã kiến nghị lên Ban Quản lý Dự án 3EM tỉnh về việc xác định thời điểm tổ chức các lớp tập huấn sao cho đảm bảo trước thời vụ, để những kiến thức về kỹ thuật liên quan được người dân áp dụng kịp thời; đồng thời, cử chuyên gia, cán bộ vững về chuyên môn, kỹ thuật để hướng dẫn bà con nắm bắt kiến thức được tốt hơn.

Các doanh nghiệp tham gia kết nối cũng cần nghiên cứu cung cấp thêm chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con dễ dàng chọn lựa cũng như cố gắng hiểu và chia sẻ bớt lợi nhuận với người dân để hoạt động kết nối ngày một hiệu quả hơn nữa…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp tích cực tham gia hỗ trợ các nhóm đồng sở thích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO