Doanh nghiệp cần thay đổi linh hoạt để thích ứng với mọi thách thức từ thị trường

Lê Dung thực hiện| 28/02/2020 09:24

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Đắk Nông đã phỏng vấn ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Ông Trần Văn Thuân

Phóng viên: Tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Thuân: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, chịu ảnh hưởng nhiều nhất đó là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có đối tác ở thị trường Trung Quốc. Do các cửa khẩu đóng cửa, nên hàng hóa không xuất qua thị trường nước bạn được, dẫn đến tồn kho với số lượng lớn. Hàng tồn, khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Dòng tiền cũng vì thế không thể xoay vòng kịp để giúp doanh nghiệp tái đầu tư. Tình trạng này kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động chung của các doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể tới một số doanh nghiệp bị tác động mạnh như chế biến điều, cao su, hồ tiêu, tinh bột sắn…

Ngoài ra, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đang bị tác động mạnh mẽ. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nên người dân ít lui tới những điểm vui chơi, giải trí, mua sắm tập trung đông người. Doanh thu giảm, một số doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng và phải xoay xở mọi cách để trả lương cho đội ngũ lao động tại đơn vị.

Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là hiện tại có một số doanh nghiệp đang vay vốn tại các ngân hàng thương mại và đến kỳ đáo hạn, nhưng hàng hóa không xuất được. Vậy nên lúc này, họ không đủ khả năng để trả nợ. Thậm chí, một số đơn vị còn phải tìm tới “tín dụng đen” để có vốn trang trải cho các hoạt động tại doanh nghiệp trong lúc khó khăn…

Có thể thấy, những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian này là rất lớn. Nếu cứ kéo dài, chắc chắn những khó khăn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là vấn đề thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

Lượng hàng tồn kho tại Nhà máy Tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song) khá lớn

Phóng viên: Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có những đề xuất gì tới Chính phủ cũng như địa phương trong thời điểm này?

Ông Trần Văn Thuân: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất với Chính phủ sớm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn tiếp tục có vốn sản xuất. Ngành Thuế cũng cần có chính sách giãn, hoãn, giảm các khoản thu thuế cho doanh nghiệp trong thời điểm này.

Ngoài ra, Hiệp hội đề xuất Chính phủ kịp thời hỗ trợ bảo hiểm xã hội và lương tối thiểu vùng cho người lao động mất việc làm tạm thời tại các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã mất việc... Qua đó, vừa hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động ổn định cuộc sống, vừa góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tránh phát sinh những hệ lụy do thất nghiệp gây ra.

ADQuảng cáo

Đối với tỉnh, cùng với việc kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường, Hiệp hội cũng đề xuất sớm thực hiện rà soát tình trạng khó khăn và có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng doanh nghiệp, để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn…

Những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vì lợi ích lâu dài, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất cần được thực hiện quyết liệt. Bởi doanh nghiệp mạnh thì kinh tế, xã hội địa phương nói riêng và cả nước nói chung mới thực sự mạnh và phát triển ổn định.

Phóng viên: Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hiện đang có sự hỗ trợ cụ thể nào cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Ông Trần Văn Thuân: Hiện tại, Hiệp hội đang nắm bắt và tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp để chuẩn bị báo cáo với tỉnh sớm có giải pháp hỗ trợ vượt qua ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài ra, đơn vị cũng đang đẩy mạnh hoạt động kết nối với các doanh nghiệp ở những thành phố lớn để họ có thể tiếp cận, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Đắk Nông. Những doanh nghiệp mà chúng tôi kết nối đang có thị trường tốt ở các nước châu Âu. Đây có thể sẽ là cơ hội để giúp doanh nghiệp của tỉnh cùng hợp tác, xuất khẩu qua các thị trường này trong thời gian tới.

Hoạt động sản xuất cao su cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19

Phóng viên: Theo ông, cùng với sự đề xuất hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thực hiện những giải pháp gì để sớm vượt qua khó khăn này?

Ông Trần Văn Thuân: Về phía các doanh nghiệp cần thực hiện rà soát lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình để sớm có sự điều chỉnh phù hợp. Một số doanh nghiệp cũng cần ngồi lại tính toán xem có nên tiếp tục duy trì ngành nghề hiện tại hay không hoặc là chuyển hướng sang ngành nghề mới để có thể ứng phó linh hoạt với những tình huống khó khăn mới về sau. Việc tổ chức sản xuất tại đơn vị cũng cần xem xét kỹ hơn, trong trường hợp cần thiết có thể tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Mặt khác, hiện nay, sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh tham gia ở thị trường Trung Quốc khá nhiều. Vì vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp cũng nên chủ động trong tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác. Bởi vì, nếu chỉ phụ thuộc vào một thị trường, sẽ rất khó xoay chuyển khi có sự cố bất ngờ xảy ra.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong liên kết với các doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước để hợp tác kích cầu tiêu dùng, mở rộng chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải chú trọng tới việc đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và nhất là mạnh dạn đầu tư, thay đổi dây chuyền công nghệ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể bắt tay ngay vào sản xuất sau khi dịch bệnh Covid-19 được dập tắt.

Thời điểm này hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng có thể sẽ là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp của chúng ta tìm cách thay đổi, để sau này dễ dàng đối mặt với những khó khăn, thách thức xảy ra bất ngờ trên thị trường...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần thay đổi linh hoạt để thích ứng với mọi thách thức từ thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO