Đi tìm nguyên nhân và giải pháp chống hạn ở Đắk Nông (kỳ 2): Hệ lụy từ "vỡ" quy hoạch sản xuất

Đức Hùng| 02/06/2020 10:17

Diện tích các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp vượt ngoài quy hoạch, khiến cho nhu cầu sử dụng nước tưới tăng vọt. Trong khi mạng lưới và năng lực các công trình thủy lợi còn hạn chế. Sự bất cập này cùng với biến đổi khí hậu đã dẫn đến hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp...

ADQuảng cáo

Mạng lưới thủy lợi còn quá hạn hẹp

Những năm qua, mực nước và lưu lượng nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm xuống. Tại các suối chính thuộc khu vực phía Bắc tỉnh (gồm huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil) đã suy kiệt rất nhiều và trở nên khô cạn hoàn toàn vào mùa khô.

Toàn tỉnh có 238 hồ chứa, với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu m3. Hiện nay, mùa khô này đã có 35 hồ chứa rơi vào cảnh dưới mực nước "chết", 18 hồ chứa cạn kiệt nước hoàn toàn. Trong số 18 hồ chứa bị cạn kiệt, có 16 hồ chứa không có nguồn nước để bổ sung.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng đồng nghĩa với việc tăng nhu cầu sử dụng nước

Ông Lê Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh cho biết, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% diện tích cây trồng. Năm 2019, do mùa mưa kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm, nên lưu lượng nước về các hồ chứa nhỏ, dung tích chứa ít, nhiều công trình chưa tích đủ nước so với dung tích thiết kế. Do đó, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh thiếu nước tưới một cách trầm trọng, dẫn đến thiệt hại về cây trồng. Đặc biệt, tại những khu vực ngoài phạm vi phục vụ các công trình thủy lợi, hạn hán, thiếu nước diễn ra trên diện rộng. Đến nay, có khoảng 20.593 ha cây trồng các loại đang nằm ngoài khu vực phục vụ của các công trình thủy lợi. Diện tích này chủ yếu được người dân sử dụng nước từ giếng khoan, ao, hồ nhỏ để tưới. Đây cũng là diện tích thường xuyên chịu thiệt hại bởi hạn hán hằng năm.

Như ông Kiên đã nêu, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đủ đáp ứng nước cho 30% diện tích cây trồng. Điều này cũng có nghĩa, 70% diện tích cây trồng còn lại, người dân đều phải tự túc nguồn nước. Như chúng ta đã biết, điều kiện, tiềm lực của nông dân thường rất hạn hẹp. Họ chỉ có thể tạo nguồn nước từ các ao hồ nhỏ, giếng khoan, khe suối tự nhiên, với lượng nước không đáng là bao. Do đó, vào những năm xảy ra hạn hán, nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước tưới, dẫn đến thiệt hại là điều tất nhiên.

Hơn 2,3 ha cà phê của ông Nguyễn Hồng Sơn, xã Đắk Lao (Đắl Mil) đã chết vì hạn hán

Nhu cầu nước tưới tăng đột biến

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Kiên, thời gian qua, việc phát triển cây trồng ngoài khu vực phục vụ của các công trình thủy lợi diễn ra khá phổ biến. Một phần do việc đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi chưa theo kịp nhịp độ phát triển sản xuất của người dân. Mặt khác, cũng do người dân sản xuất một cách tự phát, không tuân thủ quy hoạch chung. "Hệ lụy của những vấn đề này là thường xuyên đối mặt với hạn hán, cung vượt cầu, không kiểm soát được nguồn giống... Chúng ta phải xử lý được các khâu này, nếu muốn phát triển nông nghiệp một cách ổn định, hiệu quả", ông Kiên phân tích.

Qua tìm hiểu thực tế, những phân tích, nhận định của ông Kiên là có cơ sở. Bởi vì hiện nay, phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp xảy ra hạn hán nặng đều do nằm cách xa nguồn nước, hoặc nằm ngoài vùng quy hoạch. Chẳng hạn, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đang có 550 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 430 ha thiệt hạ từ 30% – 70%; 30 ha thiệt hại gần 100%.

Theo ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, hầu hết diện tích cây trồng này đều nằm ngoài vùng phục vụ tưới của các công trình thủy lợi. Diện tích này được người dân sử dụng nguồn nước từ ao hồ nhỏ hoặc giếng khoan, với lượng nước chỉ đáp ứng tưới từ 2 - 3 đợt/năm. Do đó, mỗi khi gặp bất lợi về thời tiết, chẳng hạn như hạn hán thì phần lớn diện tích này đều bị tác động tiêu cực, dẫn đến thiệt hại.

Nhiều diện tích cà phê của người dân Đắk Mil bị khô héo, thiệt hại 100%

Còn tại huyện Krông Nô, trong mấy năm trở lại đây, huyện đã có thêm 12.681 ha sản xuất nông nghiệp với các loại cây như cà phê, tiêu, cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Toàn bộ diện tích này đều được bắt nguồn từ đất lâm nghiệp và đều nằm ngoài vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Để chống hạn lâu dài, ngành Nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tiến hành rà soát, bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước; tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích bà con chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây trồng khác phù hợp, bảo đảm đa dạng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để góp phần chống hạn hiệu quả, ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt quy hoạch khoảng 151.000 ha. Diện tích này phần lớn do người dân lấn chiếm, chuyển nhượng từ đất lâm nghiệp, rồi tự ý chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp tăng đột biến đã gây áp lực rất lớn lên nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Hậu quả là hàng năm có nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại vì thiếu nước.

>>Kỳ 3: Chống chủ quan trước khi chống hạn

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp chống hạn ở Đắk Nông (kỳ 2): Hệ lụy từ "vỡ" quy hoạch sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO