Để mạng lưới đô thị thực sự là hạt nhân cho sự phát triển

Đức Diệu| 31/03/2016 10:01

Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đô thị được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có vai trò hạt nhân để phát triển hài hòa kinh tế, xã hội. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm tập trung nguồn lực để phát triển các đô thị trên địa bàn và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Đến nay, toàn tỉnh có 7 đô thị gồm: Gia Nghĩa, Đắk Mil (Đắk Mil), Ea T’ling (Chư Jút), Đắk Mâm (Krông Nô), Đức An (Đắk Song), Kiến Đức (Đắk R'lấp), Quảng Khê (Đắk Glong) và chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất để xây dựng đô thị khi thành lập huyện mới Đức Xuyên.

Một góc trung tâm thị trấn Ea T'ling (Chư Jút). Ảnh: Ngọc Tâm

Với việc thị xã Gia Nghĩa trở  thành đô thị loại III; 2 thị trấn Đắk Mil và Kiến Đức trở thành đô thị loại IV vào năm 2015 vừa qua đã ghi nhận nỗ lực và thành quả của ấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong đầu tư nguồn lực cho phát triển mạng lưới đô thị…

Nếu như năm 2011, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh mới chỉ đạt 14% thì đến năm 2015, sau khi điều chỉnh, mở rộng ranh giới thị trấn Đắk Mil, thị trấn Kiến Đức và thành lập thị trấn Quảng Khê, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 20%, tăng bình quân hàng năm khoảng 1,3%.

Mục tiêu đến năm 2020, một số đô thị như thị trấn Kiến Đức, Đắk Mil phấn đấu trở thành thị xã. Riêng thị xã Gia Nghĩa, trong giai đoạn 2020 đến 2025, đô thị này phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Các đô thị còn lại cũng từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở để mở rộng, nâng cấp theo lộ trình…

Việc đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa nông thôn, chủ động quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị hóa nông thôn; xây dựng các cụm dân cư trung tâm xã thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Với những kết quả trên, nhìn chung, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang bám sát nội dung, định hướng theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 17/11/2011 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, không chỉ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền được tăng cường, phát huy mà còn nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của nhiều tầng lớp, thành phần kinh tế trong xã hội.

ADQuảng cáo

Khu dân cư phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) ngày một khang trang. Ảnh: Mai Anh

Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn đang chủ yếu đẩy mạnh về chiều rộng chứ chưa trọng tâm phát triển chiều sâu. Trong khi đó, để các đô thị thực sự là hạt nhân cho khu vực, vùng và tiểu vùng thì yếu tố phát triển toàn diện là điều cần thiết. Bởi vì, để đảm nhận vai trò hạt nhân, các đô thị phải đáp ứng các yếu tố đặc trưng cho khu vực, vùng hoặc tiểu vùng trong phạm vi kết nối về hạ tầng cơ sở, chính trị, kinh tế, văn hóa, phải thực sự là cái lõi trong không gian quy hoạch chung.

Đơn giản hơn, đô thị phải đảm nhận được vai trò đầu tàu trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế, nơi lưu giữ và phát triển những nét văn hóa đặc trưng của vùng, khu vực. Các mối liên kết này phải được phát triển một cách hài hòa và mang yếu tố cốt lõi để kích thích, điều tiết các khu vực phụ cận trên lộ trình phát triển. Xét trên những mặt căn bản, các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay đã và đang phát huy được vai trò trung tâm về kinh tế, chính trị và kết nối liên vùng, tiểu vùng trong quy hoạch chung.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao, nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài việc tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, cái cốt lõi là các đô thị phải là trung tâm để đào tạo, sử dụng và cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng, có tác phong công nghiệp cao.

Con người đô thị cũng phải từng bước chuyển mình để thích ứng với đều kiện phát triển như nâng cao chất lượng cuộc sống, văn hóa ứng xử, tác phong, lề lối trong lao động sản xuất để tạo sự lan tỏa, nhân rộng ra các khu vực phụ cận. Trong phát triển kinh tế, vai trò hạt nhân của các đô thị phải được phát triển rõ nét hơn trong tiêu thụ, cung ứng các sản phẩm đã qua tinh chế, tạo động lực cho sự phát triển chung.

Các đô thị trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được quan tâm quy hoạch, đầu tư nhưng công tác quy hoạch chi tiết còn chậm dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc, phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như hạn chế đến việc phát huy vai trò hạt nhân trong phát triển.

Để các đô thị thực sự đóng vai trò hạt nhân, trước hết, các đơn vị, địa phương phải xác định được mục tiêu, hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế văn hóa của từng vùng, khu vực và quy hoạch chung. Việc xây dựng và phát triển đô thị phải theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị được duyệt, tránh tình trạng phát triển tự phát, phá vỡ kiến trúc, làm mất cái lõi đô thị dẫn đến mất đi những nét đặc trưng, tiêu biểu của từng đô thị trong không gian phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để mạng lưới đô thị thực sự là hạt nhân cho sự phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO